Trong những ngày đầu năm, những sự kiện, thông tin trái chiều trên thị trường đã tác động mạnh, thậm chí có thông tin còn như gáo nước lạnh đổ vào ngọn lửa đầu cơ.
Trong những ngày đầu năm, những sự kiện, thông tin trái chiều trên thị trường đã tác động mạnh, thậm chí có thông tin còn như gáo nước lạnh đổ vào ngọn lửa đầu cơ.
Có rất nhiều trường phái đầu tư trên sàn chứng khoán, và các nhà đầu tư thuộc mỗi trường phái đều có lý do của họ. Có những người theo trường phái đầu tư đa dạng hóa danh mục để hạn chế rủi ro. Thế nhưng, cũng có những người chơi theo kiểu khác.
"All in” tất tay, nhưng lại chọn những cổ phiếu "nóng" có tính đầu cơ cao. Mặc dù ít hoặc thậm chí không có thông tin cơ bản tốt, song lên rất mạnh. Tuy nhiên chỉ cấn có tin không tốt là những cổ phiếu đó cũng nằm sàn la liệt. Với thực trạng bán tháo các cổ phiếu nóng trong thời gian gần đây, có thể nhận thấy một tỷ lệ khá lớn các nhà đầu tư đang tất tay vào các mã đầu cơ để rồi khi có tin tức trái chiều là có hiện tượng "giẫm đạp" nhau tháo chạy khỏi thị trường.
“Còn nửa tháng định nghỉ Tết, “all in” vào nhóm bất động sản, thế là mất bay thành quả cả năm”; “Tình hình làm cú tất tay để chờ vận may sẽ đến ai ngờ cách đất liền khoảng 5000 hải lý, không biết bao giờ mới được về bờ”; “Coi như thị trường thu học phí năm học mới ý mà. Hãy luôn uốn lưỡi 80 lần, chớp mắt 800 lần khi xuống tiền, nếu không muốn cắn phải lưỡi”… Đây là ý kiến của nhiều nhà đầu tư đã lỡ tất tay vào những cổ phiếu “nóng” thời gian qua.
Câu nói rất quen thuộc là, nhà đầu tư “không nên bỏ trứng vào cùng một giỏ”. Quy tắc này ai cũng từng nghe đến nhưng không phải ai cũng áp dụng được. Sức hấp dẫn khi chứng kiến cổ phiếu tăng trần liên tục là quá lớn khiến nhà đầu tư sẵn sàng mạo hiểm tất tay để có lợi nhuận cao.
Nhưng sau cú nằm sàn “knock out” của các cổ phiếu đầu cơ, nhiều nhà đầu tư F0 thậm chí cả F1, F2 cũng đã “tốt nghiệp lớp cũ và được lên lớp mới”. Bài học lớn nhất chỉ được học khi mất tiền. Chứng khoán không phải là nơi chỉ cần bỏ tiền vào theo hô hào là giàu, đầu tư toàn bộ tiền bạc nhưng không bỏ thời gian công sức nghiên cứu tương xứng mà chỉ xin 3 chữ cái thì có lẽ không khác gì đánh bạc.
“Kinh nghiệm xương máu của tôi là, tránh sa đà vào suy nghĩ của đám đông, đôi khi các room chat, diễn đàn đầu tư... lại chính là nơi “lùa gà, xén lông cừu” kinh dị nhất”; “Khi mất tiền cảm xúc thường tăng mạnh, nếu không đủ can đảm cắt lỗ toàn bộ thì cũng phải cắt lỗ 50% danh mục để tỉnh táo suy nghĩ lại”; “Trên thực tế, chiến lược đầu tư nào cũng tiềm ẩn rủi ro. Giống ông Warren Buffet có nói "Khi thủy triều đi xuống mới biết ai đi bơi mà không bận quần bơi””… Những kinh nghiệm được rút ra sau đợt điều chỉnh mạnh của thị trường.
Đầu tư "all in" cũng tương tự như thuật ngữ "đội bóng một người" ở trong bóng đá khi chỉ có 1 người làm nhân vật quyết định để làm nên thành công của cả đội. Kiểu đầu tư tất tay không sai nhưng do tính tập trung cực cao, việc lựa chọn "cầu thủ chiến lược" đòi hỏi năng lực lựa chọn cổ phiếu cực kỳ tốt của người quản lý.
Giới chuyên gia cho rằng, nếu nhà đầu tư muốn tất tay vào một cổ phiếu thì cần xác định giá cổ phiếu có thể biến động khôn lường. Nhà đầu tư cần theo dõi rất sát hoạt động kinh doanh và cả triển vọng lĩnh vực mà doanh nghiệp đang tham gia. Nhưng chứng khoán vẫn luôn có những rủi ro tiềm ẩn, nếu giá cổ phiếu bắt đầu đi ngược với kỳ vọng quá nhiều, nhà đầu tư phải có nguyên tắc cắt lỗ để bảo toàn vốn. Kinh nghiệm từ sai lầm sẽ luôn cho ta nhiều bài học xương máu.