Aramco, ADNOC và những công ty khác đang đặt cược hàng tỷ USD vào quá trình chuyển đổi năng lượng.
Aramco, ADNOC và những công ty khác đang đặt cược hàng tỷ USD vào quá trình chuyển đổi năng lượng.
Các tiểu Vương Quốc Arab Thống nhất (UAE) đang ngồi trên trữ lượng nhiên liệu hóa thạch khổng lồ. ADNOC, công ty dầu khí quốc gia của UAE, là một trong những nhà sản xuất nhiên liệu lớn nhất thế giới.
Hai tháng trước, ADNOC vừa tổ chức một cuộc hội thảo về năng lượng. Đáng chú ý, trong hội thảo này, ông Sultan Al Jaber, Bộ trưởng Năng lượng của UAE, lại nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào nhiên liệu sạch.
Trong quá khứ, những ông lớn của ngành năng lượng vùng Vịnh chỉ giới hạn trong việc bảo vệ nhiên liệu hóa thạch. Giờ đây, nhiều người, như ông Al Jaber, đã đưa ra tuyên bố cam kết khử cacbon.
Ả-rập Xê-út và Kuwait đã tuyên bố sẽ phát thải ròng bằng không vào năm 2060. UAE và Oman đặt mục tiêu tương tự vào năm 2050.
Bên cạnh đó, Qatar không cam kết loại bỏ hoàn toàn khí nhà kính, nhưng hứa sẽ giảm 1/4 phát thải vào năm 2030. UAE thậm chí còn đăng cai hội nghị thượng đỉnh khí hậu của Liên Hợp Quốc vào năm 2023.
Xem thêm: Giá trần khí đốt có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng của EU
Trong một diễn biến khác, có vài người đặt ra câu hỏi về sự cam kết vào năng lượng sạch của các ông lớn trên. Tuy nhiên, chiến lược đầu tư của các doanh nghiệp năng lượng lại mang đến góc nhìn hoàn toàn khác.
Ví dụ như, ADNOC của UAE hay Aramco của Arab Saudi đang có kế hoạch đẩy mạnh sản xuất dầu mỏ và khí đốt. Nhờ giá năng lượng cao, các doanh nghiệp này dự kiến sẽ đầu tư tăng sản lượng. Chi phí đầu tư tài sản cố định (Capex) của Aramco vào 2022 dự kiến sẽ đạt khoảng 40 đến 50 tỷ USD.
Arab Saudi mong muốn nâng sản lượng từ 12 triệu thùng/ngày lên 13 triệu vào 2027. ADNOC sẽ chi 150 tỷ USD cho đến năm 2027 để nâng sản lượng từ 4 triệu lên 5 triệu thùng/ngày. Qatar Energy sẽ bỏ ra 80 tỷ USD từ 2021 đến 2025 nhằm tăng sản lượng khí hóa lỏng (LNG) thêm 2/3.
Đối với hầu hết các công ty năng lượng, việc tăng gấp đôi lượng nhiên liệu hóa thạch trong quá trình chuyển đổi để hạn chế carbon sẽ là một sự điên rồ về tài chính.
Theo nhận xét của Patrick Heller thuộc Viện Quản trị Tài nguyên Thiên nhiên, một tổ chức phi chính phủ của Mỹ, mọi công ty dầu khí quốc gia trên thế giới đều “muốn trở thành công ty trụ lại cuối cùng”.
Đương nhiên, những gã khổng lồ Vùng Vịnh, với trữ lượng dầu mỏ lớn và dễ khai thác, nhiều khả năng sẽ sống sót sau cùng. Và những khoản đầu tư vào sản xuất có thể sẽ mang lại lợi nhuận, ngay cả khi “nhu cầu toàn cầu giảm mạnh trong những năm tới”.
Bà Mariam Al-Shamma, chuyên gia của S&P Global, cho rằng các nước Vùng Vịnh hiểu rõ rằng những khách hàng tại thế giới phát triển sẽ từ bỏ nhiên liệu hóa thạch. Những chính sách như thuế carbon qua biên giới, vừa được EU thông qua hôm 18/12, là một hồi chuông cảnh báo.
Bà bổ sung: “Để trở thành nhà sản xuất cuối cùng đứng vững, bạn cần nhiều hơn là giảm thiểu chi phí xuống mức thấp nhất. Các doanh nghiệp dầu khí Vùng Vịnh muốn tạo ra nhiên liệu hóa thạch sạch nhất nhằm đảm bảo “tuổi thọ” công ty”.
Vùng Vịnh hưởng lợi thế tự nhiên bởi trữ lượng nhiên liệu hóa thạch tại đây sản sinh ra ít khí thải nhất khi khai thác. Đồng thời, các quốc gia Arab cũng đang nỗ lực giảm mức độ phát thải trong khai thác hơn nữa.
ADNOC đã chi 3,6 tỷ USD để lắp dây cáp điện dưới biển cũng như những thiết bị khác nhằm cung cấp năng lượng sạch cho những cơ sở khai thác ngoài khơi. Bà Al-Shamma cho rằng những loại dầu thô phát thải ít hơn có thể sẽ được bán với giá cao trong tương lai, tương tự với những gì đã xảy ra trên thị trường LNG.
Tiếp đến, trụ cột thứ hai trong chiến lược của Vùng Vịnh liên quan đến việc đầu tư lợi nhuận từ nhiên liệu hóa thạch vào công nghệ năng lượng sạch trong tương lai. Các chính phủ trong khu vực đang đặt cược lớn vào thu hồi và lưu trữ carbon, năng lượng tái tạo và hydro.
Jim Krane của Đại học Rice ở Texas cho biết: “Ả Rập Xê Út nắm giữ những lợi thế lớn trong quá trình khử cacbon bởi quốc gia này có những vùng đất rộng lớn, trống trải, đầy nắng với địa chất phù hợp để lưu trữ carbon”.
Aramco có kế hoạch phát triển khả năng thu giữ, lưu trữ và sử dụng 11 triệu tấn CO2 mỗi năm, cũng như lắp đặt 12 GW năng lượng gió, năng lượng mặt trời vào năm 2035.
Nhìn chung, Ả-rập Xê-út đặt mục tiêu xây dựng 54 GW công suất năng lượng tái tạo vào năm 2032. Không chịu thua kém, UAE cũng đang nhắm tới 100 GW năng lượng tái tạo vào 2030.
Masdar, công ty năng lượng sạch nhà nước do ADNOC nắm cổ phần, sẽ trở thành nhà phát triển năng lượng sạch lớn thứ hai thế giới. Gần đây, Masdar đã mua lại một doanh nghiệp Anh chuyên phát triển công nghệ lưu trữ năng lượng.
Ngoài ra, vùng Vịnh cũng đang đặt cược vào hydro.
Vào năm 2021, UAE đã khánh thành nhà máy “hydro xanh” đầu tiên tại Vùng Vịnh. ACWA Power, một công ty điện lực của Arab Saudi, cũng gần như hoàn tất huy động vốn cho dự án hydro xanh trị giá 5 tỷ USD.
Oman, nước có trữ lượng dầu nhỏ hơn và khó khai thác hơn so với các nước láng giềng, đang cân nhắc về khoản đầu tư 30 tỷ USD cho nhà máy hydro lớn nhất thế giới.
Không dừng lại ở đó, Arab Saudi và UAE cũng đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại nước ngoài. Masdar đang tham gia vào một liên doanh hydro trị giá 10 tỷ USD ở Ai Cập, phát triển 4 GW năng lượng tái tạo và hydro xanh ở Azerbaijan, đầu tư vào một doanh nghiệp phát triển hydro xanh ở miền bắc nước Anh.
Xem thêm: "Ngôi vương" công ty giá trị nhất thế giới của Apple rơi vào tay Saudi Aramco