80% trung tâm ngoại ngữ đóng cửa, giải thể
Trả lời câu hỏi của Lao Động về tình hình hoạt động, giải thể và việc đảm bảo quyền lợi của phụ huynh học sinh, ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GDĐT TPHCM cho biết, theo thống kê của sở do ảnh hưởng của dịch COVID-19, gần 80% trung tâm trên địa bàn thành phố phải đóng cửa, ngưng hoạt động, giải thể.
"Về việc nhiều người dân phản ánh sau dịch, không liên hệ được với các trung tâm ngoại ngữ, Sở đã tiến hành rà soát những trung tâm được phụ huynh phản ánh và nhận thấy đa phần các trung tâm này chưa được cấp phép hoạt động giáo dục. Sở đã hướng dẫn người dân liên hệ công an để giải quyết" - ông Trọng thông tin.
Đối với những trung tâm ngoại ngữ đã được cấp phép, sở đã mời các chủ đầu tư lên làm việc. Tuy nhiên, một số chủ đầu tư không đến làm việc. Sở sẽ tiếp tục mời thêm.
Đại diện sở nói thêm, những trung tâm có giấy phép hoạt động, khi muốn giải thể phải thực hiện theo quy trình, trong đó phải đảm bảo quyền lợi cho người học, người làm việc, trước khi được Sở GDĐT TPHCM ban hành quyết định giải thể.
Điều kiện khởi kiện
Trong các vụ trung tâm ngoại ngữ đột ngột đóng cửa, nhiều phụ huynh băn khoăn việc không có hợp đồng mà chỉ có biên lai thu tiền có khởi kiện được hay không.
Thạc sĩ - Luật sư Đỗ Trọng Hiền - Văn phòng luật sư Trần Vân Linh - Đoàn Luật sư TPHCM - cho biết: Trong trường hợp không có hợp đồng, các thông báo về khóa học được niêm yết, cùng với phiếu thu tiền (hoặc chuyển khoản) đã là những căn cứ xem như giao dịch dân sự đã được xác lập.
Trường hợp một bên có biểu hiện chối bỏ trách nhiệm (nhận tiền nhưng không thực hiện nghĩa vụ dạy học) và giữa các bên không thể đi đến thỏa thuận chung, không có chấm dứt giao dịch trả lại tiền học phí, hoặc bồi thường thiệt hại theo thỏa thuận, nếu cần thiết đảm bảo quyền lợi của mình (hoặc học viên) và các em học sinh, phụ huynh có thể đến cơ quan chức năng, cụ thể là công an nơi mà trung tâm đặt trụ sở, để trình báo về sự việc và làm đơn tố giác tội phạm theo hướng dẫn.
Căn cứ vào nội dung đơn tố giác tội phạm, cơ quan điều tra có thể sẽ vào cuộc để xác minh về hành vi của các trung tâm. Nếu đủ căn cứ, có cơ sở thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định của pháp luật với hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 175, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
Ngoài ra, nếu trong trường hợp các trung tâm ngoại ngữ này chưa đủ điều kiện hoạt động hoặc trung tâm mới chỉ được cấp phép hoạt động ở một vài chi nhánh còn một số chi nhánh chưa có quyết định hoạt động thì có thể đối mặt với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
Do những lẽ trên, phụ huynh nên tìm những trung tâm có uy tín lâu năm và chất lượng, không nên chạy theo những quảng cáo, những giới thiệu chưa xác thực để chọn cơ sở giáo dục cho con em của mình, luật sư Đỗ Trọng Hiền tư vấn thêm.