Năm 2013, trong một lần đi cắt cỏ ở ngoài đồng, ông Đào Văn Tân (60 tuổi, quê ở thôn Kim Đái 2, xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) được một người quen giới thiệu về mô hình chăn nuôi bò sữa đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn chăn nuôi bò đỏ và làm ruộng. Sau khi bàn bạc với gia đình, ông Tân mạnh dạn dồn toàn bộ vốn liếng và vay thêm để đầu tư xây dựng chuồng trại, mua 3 con bò sữa giống với giá giao động từ 61 - 80 triệu đồng/con về nuôi.
“Khoảng thời gian đầu, chúng tôi không có kinh nghiệm và kiến thức về chăn nuôi giống bò sữa này. Để đàn bò được sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, tôi quyết định tham gia lớp học cấp tốc đào tạo nuôi bò sữa, cùng với đó là nghiên cứu thêm tài liệu trên các trang mạng để có kiến thức về về cách chăm sóc, phòng, chữa bệnh cho đàn bò của gia đình tôi”, ông Tân nhớ lại.
Trải qua những ngày tháng khó khăn, vất vả, phải thức khuya dậy sớm, rồi vội vã đi đến lớp học theo lịch cố định hàng tuần, người nông dân có thêm kinh nghiệm và kiến thức về chăn nuôi bò sữa. Chính vì vậy, đàn bò sữa của gia đình ông Tân sinh trưởng, phát triển tốt và cho sữa với năng suất cao, chất lượng đạt tiêu chuẩn.
Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa, ông Tân cho biết, bò sữa thích nghi tốt với nhiệt độ thoáng mát, vì thế cần đảm bảo chuồng nuôi luôn khô ráo, sạch sẽ và được thiết kế thành từng dãy. Mỗi khi trời nắng nóng trên 30 độ, người đàn ông 60 tuổi này lại phun nước lên trên bề mặt mái chuồng trại để giảm nhiệt độ bên dưới, bởi khi trời nắng nóng, bò sữa dễ bị đổ bệnh. Bò sữa được ăn uống đủ tiêu chuẩn sẽ cho ra loại sữa tốt nhất.
Ngoài việc chăm sóc và vệ sinh chuồng trại, ông Tân còn phải thường xuyên theo dõi và tiêm vaccine đầy đủ cho bò sữa theo định kỳ để phòng, chống các bệnh như: Lở mồm long móng, tụ huyết trùng, viêm da nổi cục….
Nhận thấy nuôi bò sữa mang lại lợi nhuận cao, phát triển thuận lợi, đầu ra, giá sản phẩm trong những năm gần đây ổn định, trong khi các con của ông bị thất nghiệp bởi dịch Covid-19, năm ngoái, ông Tân quyết định đi vay vốn từ nguồn vốn Quỹ khuyến nông TP về mở rộng chuồng trại, tiếp tục đầu tư nhân rộng đàn bò sữa. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho bò, ông quyết định thuê thêm đất ruộng để trồng cỏ, nâng tổng diện tích lên khoảng 7 đến 8 mẫu cỏ.
Ngoài ra, ông Tân còn áp dụng cơ giới hóa chăn nuôi, gia đình ông đầu tưu lắp hệ thống máng ăn; mua máy vắt sữa; máy băm cỏ trục cuốn,…
Ông Tân cho biết, chăn nuôi bò sữa vất vả hơn rất nhiều so với nuôi lợn, gà, vịt… nhưng có nguồn thu nhập cao và ổn định, không sợ bị lỗ vốn kể cả khi có dịch Covid-19.
Hiện, gia đình ông Tân đang nuôi 24 con bò sữa, trong đó, khoảng 10 con đang cho khai thác sữa. Trung bình mỗi ngày đàn bò sẽ cho cho khoảng từ 80 đến 100 lít sữa. Toàn bộ sữa sẽ được bán cho Công ty CP sữa Quốc tế IDP với giá từ 11.000 - 15.000 đồng/lít, tùy vào chất lượng sữa.
“Nhờ vào việc chăn nuôi bò sữa, trừ chi phí đi mỗi tháng gia đình tôi thu lãi được từ 20 đến 30 triệu đồng tiền sữa”, ông Tân chia sẻ.
Theo ông Tân, hiện chuồng trại của gia đình ông đang có 10 con bò cái đang trong thời kỳ sinh sản, khả năng đàn bò của ông sẽ tăng thêm khoảng 6 con, nâng từ 24 lên 30 con bò sữa. Giá bò có chửa được khoảng 7 đến 8 tháng có giá bán ít nhất khoảng 50 triệu, nhiều người tới hỏi mua nhưng người đàn ông 60 tuổi kiên quyết không bán.
“Tôi dự tính đợt tới sẽ phải mở rộng chuồng trại bởi có 10 con bò cái đang sắp đẻ. Nếu đẻ bê cái thì tôi giữ lại nuôi lấy sữa và làm bò giống, còn nếu là bê đực thì tôi bán, giá bán một con bê đực từ 10 - 20 ngày tuổi sẽ giao động từ 2 - 4 triệu đồng”, ông Tân cho biết thêm.