Theo Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương, dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, song các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử… vẫn tiếp nhận nhiều đơn hàng quốc tế mới nhờ sự dịch chuyển chuỗi sản xuất.
Theo Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương, dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, song các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử… vẫn tiếp nhận nhiều đơn hàng quốc tế mới nhờ sự dịch chuyển chuỗi sản xuất.
Kinh tế thế giới dự báo khởi sắc trở lại nhờ chiến lược tiêm chủng vaccine Covid-19 được thực hiện đồng loạt trên toàn thế giới, thương mại hàng hóa toàn cầu hồi phục nhanh. Việc tận dụng cơ hội này của Việt Nam trong việc giành được các đơn hàng lớn để phục hồi sản xuất trong nước trong bối cảnh dịch bệnh trong thời gian tới là hết sức quan trọng.
Theo Bộ Công Thương, trong năm 2020 và 06 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên, các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da - giày, điện tử… cũng có cơ hội tiếp nhận được nhiều đơn hàng quốc tế mới nhờ sự dịch chuyển chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị và sự thay đổi về nhu cầu tiêu dùng của các thị trường lớn.
Điều này thể hiện rõ nét ở việc kim ngạch xuất khẩu của các ngành điện tử, dệt may, da - giày trong năm 2020 và 06 tháng đầu năm 2021 vẫn rất tốt trong bối cảnh toàn cầu bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Đối với ngành may mặc, sau thời gian dồn nén vì tiêu dùng giảm, cuối năm 2020 và đầu năm 2021, sức mua tăng lên giúp doanh nghiệp dệt may có nhiều đơn hàng hơn. Nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đối với quần áo và giày dép tăng mạnh khi kinh tế được phục hồi do dỡ bỏ dần lệnh phong tỏa.
Thêm vào đó, sự bất ổn chính trị ở một số nước, vùng lãnh thổ đã ảnh hưởng đến năng lực sản xuất dệt may của họ khiến các nhà mua hàng chuyển hướng sang Việt Nam, nhờ vậy doanh nghiệp trong nước có thêm nhiều cơ hội tiếp nhận các đơn hàng xuất khẩu lớn.
Cũng theo Bộ Công Thương, trong năm 2020, mặc dù kim ngạch xuất khẩu dệt may giảm 9,8% so với cùng kỳ, tuy nhiên đây vẫn là mức rất tích cực trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới giảm 25%. Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam đã vượt qua Bangladesh để trở thành nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai trên thế giới năm 2020. Sang đến 06 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc tăng trưởng khởi sắc, tăng 15% so với cùng kỳ.
Đối với ngành điện tử, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các quy định về giãn cách xã hội tại nhiều quốc gia đã khiến nhu cầu sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện làm việc online, trực tuyến của người tiêu dùng tại nhiều quốc gia tăng mạnh, cùng với đó là sự dịch chuyển chuỗi giá trị của một số hãng điện tử lớn trên thế giới các doanh nghiệp điện tử trong nước cũng đã tiếp cận được nhiều đơn hàng mới.
Năm 2020, nhóm hàng điện thoại di động và linh kiện xuất khẩu giảm 1% so với năm 2019 do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, riêng nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện xuất khẩu tăng 24,4% so với năm 2019. Sang đến 06 tháng đầu năm 2021, nhóm hàng điện thoại di động và linh kiện xuất khẩu tăng 14,1%, và nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện xuất khẩu tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2020 về trị giá.
Theo thống kê, đối với ngành may mặc, các nhãn hàng lớn như Nike, Adidas, New Balance, Decathlon, Uniqlo, GAP, H&M,… thường lựa chọn đặt cơ sở sản xuất, hoặc gia công sản xuất tại các quốc gia có ngành dệt may, da giày phát triển như Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh, Myanma… Tùy vào mã hàng, thời điểm giao hàng, điều kiện cụ thể về an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội, dịch bệnh, thời tiết, việc tuân thủ trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với môi trường… mà các nhãn hàng sẽ quyết định đặt sản xuất, gia công ở các nước khác nhau với tỷ trọng khác nhau.
Đối với ngành điện tử, hiện nay, Việt Nam là cứ điểm sản xuất rất quan trọng của hãng Samsung Electronics. Khoảng trên 50% sản phẩm điện thoại và máy tính bảng của Samsung trên toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam.
Bên cạnh những mặt tích cực, theo Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương, doanh nghiệp vẫn có những khó khăn, lo ngại trong bối cảnh hiện nay đến từ cả phía cung và cầu.
Theo đó, khó khăn lớn nhất về phía cung hiện nay của các doanh nghiệp là việc không bảo đảm được quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa thông suốt phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa do các quy định về phòng dịch phức tạp và không thống nhất giữa nhiều địa phương.
Đặc trưng của ngành công nghiệp là tính kết nối sản xuất theo chuỗi không phân biệt địa giới hành chính, do đó, các khó khăn về lưu thông, vận chuyển hàng hóa do yêu cầu phòng dịch sẽ dẫn đến nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng - trong đó đặc biệt là chuỗi cung ứng lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu vào sản xuất của doanh nghiệp.
Do đó, một số quy định về phòng chống dịch bệnh cần phải được điều chỉnh, sửa đổi để đảm bảo mục tiêu vừa duy trì sản xuất cho doanh nghiệp, vừa bảo đảm sức khỏe, an toàn tính mạng cho người lao động và cộng đồng.
Trong khi đó, về phía cầu, theo Bộ Công Thương, dự báo trong thời gian tới, do ảnh hưởng của dịch bệnh và các quy định của nhiều địa phương về giãn cách xã hội, đơn hàng trong nước của nhiều ngành sản xuất như ô tô, cơ khí, thép… sẽ sụt giảm nghiêm trọng.
Đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo như điện tử, dệt may và da – giày, các doanh nghiệp có thể có thêm các đơn hàng xuất khẩu mới như đã nêu. Tuy nhiên, nếu không sớm có các giải pháp giúp doanh nghiệp khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước, sớm quay trở lại sản xuất ngay bây giờ, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ khách hàng quốc tế sẽ dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác, và đến khi dịch được kiểm soát, doanh nghiệp khó có thể nối lại các mối quan hệ kinh doanh đã mất.
Vì vây, việc tận dụng cơ hội này của Việt Nam trong việc giành được các đơn hàng lớn để phục hồi sản xuất trong nước trong bối cảnh dịch bệnh trong thời gian tới là hết sức quan trọng.