Nền kinh tế thế giới có thể mất hơn 2.000 tỷ USD từ năm 2022 tới 2025 do vaccine phân phối không đồng đều. Thế giới có thể còn phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn với những đại dịch chưa đoán trước được.
Nền kinh tế thế giới có thể mất hơn 2.000 tỷ USD từ năm 2022 tới 2025 do vaccine phân phối không đồng đều. Thế giới có thể còn phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn với những đại dịch chưa đoán trước được.
Dịch COVID-19 đã kéo dài gần 2 năm qua. Vaccine phòng dịch đã bắt đầu được triển khai tiêm được gần 1 năm. Tuy nhiên đến nay, thế giới vẫn còn khoảng 60% dân số chưa có vaccine. Sự thiếu hụt và phân bổ không đều vaccine đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc phải có những đầu tư, sự chuẩn bị xứng tầm cho các đại dịch trong tương lai.
Nhật báo phố Wall trích báo cáo của quỹ Bill & Melinda Gates kêu gọi cần có những đầu tư nhiều hơn cho hệ thống y tế, nhất là năng lực sản xuất vaccine. Ông Bill Gates nói về giải pháp cần có những nhà máy sản xuất đủ vaccine cho thế giới trong vòng 100 ngày, chuẩn bị cho những đại dịch khác.
COVID-19 đã làm hơn 33 triệu người trên thế giới rơi vào cùng cực, nhưng ngay cả khi nền kinh tế hồi phục, cũng không đồng đều giữa các nước, do tiếp cận vaccine.
Trang tin của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho rằng cần có sự hợp lực của các ngành khoa học để chuẩn bị cho đại dịch khác trong tương lai. Một thực tế cho thấy không ai mong đợi COVID-19 xảy ra, chỉ chuẩn bị cho dịch cúm, hay những năm 1980, cũng không ai chuẩn bị cho HIV/AIDS. Chúng ta nên tránh mắc lại những sai lầm đó bằng cách để các viện, các quốc gia bắt tay cùng nhau chuẩn bị một cách nghiêm túc, đầu tư xứng tầm.
Câu hỏi đặt ra tiếp theo là sẽ đầu tư như thế nào khi quy mô phát triển giữa các quốc gia là khác nhau? Nếu không có cách, nền kinh tế thế giới sẽ luôn chạy sau sự phát triển của các đại dịch.
Trang Forbes viết: "Các công ty dược có vaccine sớm hưởng doanh thu khổng lồ như một phần thưởng cho những lao động của họ. Thế nhưng, việc họ tăng giá vaccine hậu đại dịch để thu thêm lợi nhuận lại là việc khác. Bởi nếu liều nhắc lại bị tăng giá thì cuối cùng các chính phủ vẫn phải chi trả. Vì vậy, mô hình tốt sẽ là chính phủ các nước cùng đổ tiền cho nghiên cứu và phát triển, nhưng sẽ tham gia vào quá trình định giá, phân phối".
Về phân phối, thế giới đang có cơ chế COVAX của Liên Hợp Quốc giúp chia đều hơn vaccine giữa các nước. Đến nay, hơn 207 triệu liều vaccine được quyên góp qua cơ chế này. Tuy nhiên, đó là con số quyên góp quá nhỏ so với mong muốn của WHO, cần có những cam kết lớn hơn giữa các nước trong tương lai thông qua các cơ chế như vậy. Bởi nếu không, theo CNBC, kinh tế thế giới có thể để mất 2.300 tỷ USD trong 3 năm tới do vaccine được phân phối chậm.
Các nước đang phát triển sẽ bị tác động mạnh hơn cả, bởi vaccine bị phân phối chậm cũng có nghĩa là mở cửa sau và lỡ nhịp đón nhận các cơ hội đầu tư.