Sau hơn một năm triển khai, Cổng dịch vụ công Quốc gia đã tích hợp hơn 2.900 thủ tục hành chính của 21 bộ ngành và 63 tỉnh thành, hơn 57 triệu hồ sơ được xử lý, tiết kiệm ngân sách khoảng 8.000 tỉ đồng mỗi năm.
Sau hơn một năm triển khai, Cổng dịch vụ công Quốc gia đã tích hợp hơn 2.900 thủ tục hành chính của 21 bộ ngành và 63 tỉnh thành, hơn 57 triệu hồ sơ được xử lý, tiết kiệm ngân sách khoảng 8.000 tỉ đồng mỗi năm.
Đó là con số được chia sẻ tại Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2021 do IDG Vietnam và Hội truyền thông số Việt Nam tổ dưới sự bảo trợ của Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa khai mạc vào sáng nay, 9/9 dưới hình thức trực tuyến. Sự kiện thu hút sự tham dự của khoảng 1000 lượt đại biểu là các chuyên gia trong lĩnh vực chính phủ điện tử, chính phủ số, công nghệ thông tin, thương mại điện tử, đô thị thông minh, tài nguyên môi trường, xây dựng… của Việt Nam và quốc tế.
Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh hệ thống Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam có sự phát triển vượt bậc. Trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công trực tuyến, sau hơn một năm triển khai, cổng dịch vụ công đã tích hợp hơn 2.900 thủ tục hành chính của 21 bộ ngành và 63 tỉnh thành, hơn 57 triệu hồ sơ được xử lý, tiết kiệm ngân sách khoảng 8.000 tỉ đồng mỗi năm.
Còn theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, năm 2020, thứ hạng phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam đã tăng hai bậc, lên vị trí thứ 86/193 quốc gia, vùng lãnh. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn giữ nguyên vị trí thứ 6 trong thứ hạng phát triển Chính phủ điện tử.
Điều này khiến cho lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư, phát triển đất nước chưa thực sự bứt phá. Theo nhiều chuyên gia, trong giai đoạn tới, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao hiệu quả Chính phủ điện tử, đồng thời tập trung vào các lĩnh vực nhiều tiềm năng như Đô thị thông minh, thương mại điện tử - hai lĩnh vực được kỳ vọng sẽ góp phần thiết thực trong việc ổn định tình hình kinh tế, xã hội giai đoạn hậu Covid-19…
Về lĩnh vực đô thị thông minh, hiện có 38/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai triển khai đề án Đô thị thông minh. Việt Nam đã chủ động tiếp cận và định hướng phát triển đô thị thông minh từ khá sớm, bắt nhịp với các quốc gia trên thế giới; đã tích cực triển khai thực hiện chuyển đổi số; hạ tầng thông tin đã cơ bản được phủ sóng 4G; khả năng tiếp cận các dịch vụ về công nghệ thông tin và tỷ lệ sử dụng các thiết bị di động ở mức khá cao so với thế giới.
Về lĩnh vực thương mại điện tử, thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 đã tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng 46%, gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%, tiếp thị, giải trí và trò chơi trực tuyến tăng 18%. Không chỉ vậy, tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020-2025 được dự đoán là 29% và tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử nước đạt 52 tỷ USD. Trong xu thế chung đó, con đường đẩy mạnh chuyển đổi số các lĩnh vực thế mạnh sẽ giúp chúng ta tạo được lợi thế cạnh tranh quốc gia.
Với chủ đề "Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ công trực tuyến, phát triển Chính phủ số Giai đoạn 2021 - 2025 và giải pháp phát triển đô thị thông minh, thương mại điện tử góp phần thúc đẩy kinh tế số" tập trung vào mục tiêu giới thiệu kinh nghiệm phát”, Hội thảo tập trung vào phát triển Chính phủ điện tử/Chính phủ số, Cổng dịch vụ công trực tuyến của các quốc gia phát triển đồng thời giới thiệu các giải pháp CNTT hỗ trợ việc hiện đại hóa hạ tầng Chính phủ điện tử/Chính phủ số.
Buổi sáng nay, 9/9, sẽ là Phiên Tổng thể với các bài Báo cáo chính do lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Quyền trưởng đại diện Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP) và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam (ABD) và Tập đoàn VNPT trình bày.
Tiếp theo là Lễ Vinh danh 18 lãnh đạo Chuyển đổi số tiêu biểu khối cơ quan chính phủ và phiên Tọa đàm cấp cao với chủ đề Vai trò của Lãnh đạo Chuyển đổi số trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ công trực tuyến, hướng tới chính phủ số.
Buổi chiều sẽ diễn ra 2 phiên Chuyên đề song song. Phiên Chuyên đề thứ nhất có chủ đề Phát triển Đô thị thông minh với sự tham gia của các diễn giả uy tín là lãnh đạo dự án thành phố thông minh Busan Eco- Delta Smart City (Hàn Quốc) hay lãnh đạo Cơ quan Công nghệ Quốc gia Singapore (GovTech), lãnh đạo Hiệp hội Đô thị Việt Nam…
Phiên Chuyên đề thứ hai có chủ đề Chuyển đổi số doanh nghiệp vừa và nhỏ hướng tới phát triển Thương mại điện tử với sự tham gia của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cùng các đơn vị cung cấp giải pháp Thương mại điện tử khác.