Theo quan điểm của luật sư, hành vi của người bố sử dụng vũ lực đánh con, dù là để dạy dỗ thì đó là không đúng, xâm phạm đến quyền được bảo vệ về tính mạng, sức khỏe của trẻ em được pháp luật bảo vệ...
Theo quan điểm của luật sư, hành vi của người bố sử dụng vũ lực đánh con, dù là để dạy dỗ thì đó là không đúng, xâm phạm đến quyền được bảo vệ về tính mạng, sức khỏe của trẻ em được pháp luật bảo vệ...
Liên quan đến vụ bé gái 6 tuổi tử vong, Công an quận Bắc Từ Liêm (TP Hà Nội) đã ra quyết định tạm giữ hình sự L.T.C (sinh năm 1978, trú phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm), là bố cháu bé để phục vụ công tác điều tra.
Tại cơ quan công an, bước đầu anh C thừa nhận, khoảng 11h ngày 16/9, có đánh cháu L.H.A (sinh năm 2015, là con gái). Đến khoảng 16h cùng ngày, mẹ cháu L.H.A cho cháu ăn cháo và uống 1 viên thuốc thì cháu nôn nhiều nên đưa vào bệnh viện Nam Thăng Long cấp cứu và được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương bằng xe cấp cứu. Khi đến bệnh viện, bác sĩ xác nhận cháu L.H.A đã tử vong ngoài bệnh viện nên đã báo Công an phường Láng Thượng, quận Đống Đa, đến lập biên bản ghi nhận vụ việc.
Đến 15h ngày 17/9, công tác pháp y đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Bắc Từ Liêm phối hợp Công an phường Láng Thượng, quận Đống Đa hoàn tất. Đồng thời, căn nhà nơi cháu bé cùng gia đình đang sinh sống đã bị niêm phong để phục vụ công tác điều tra.
Về vụ việc trên, theo quan điểm của luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, hành vi của người bố sử dụng vũ lực đánh con, dù là để dạy dỗ thì đó là không đúng, xâm phạm đến quyền được bảo vệ về tính mạng, sức khỏe của trẻ em được pháp luật bảo vệ.
Pháp luật buộc công dân phải nhận thức được việc sử dụng vũ lực quá mức cần thiết khi tác động vào cơ thể cháu bé sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng. Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả và kết luận giám định nguyên nhân chết và các cơ chế hình thành thương tích của cháu để có thể xử lý người cha tương ứng theo nhóm tội phạm liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người.
Luật sư Thơm cho rằng, rất có thể trường hợp tử vong của cháu không phải do hành vi của người bố đánh cháu vào chân, tay, mông trực tiếp gây ra nhưng nó lại là nguyên nhân gián tiếp gây ra những biến chứng trong cơ thể dẫn tới cháu bị tử vong. Do đó, người cha có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại điểm a, Khoản 4, Điều 134 Bộ luật hình sự.
Trong trường hợp này, hành vi của người bố thuộc trường hợp cố ý về hành vi nhưng vô ý về hậu quả nên có thể phải chịu trách nhiệm về tội Cố ý gây thương tích là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Ở đây cần phân biệt với tội Giết người khi hậu quả chết người xảy ra là do hành vi sử dụng vũ lực tác động trực tiếp gây nên thì theo lý luận tội phạm sẽ thuộc trường hợp Giết người theo Điều 123 Bộ luật hình sự.
Để xem xét cụ thể hành vi của người bố cần đợi kết quả điều tra. Chúng ta hoàn tin tưởng vào sự công tâm, khách quan của các cơ quan tiến hành tố tụng đã và đang khẩn trương bằng các nghiệp vụ đấu tranh tội phạm làm rõ cơ chế hình thành vết thương trực tiếp hay gián tiếp gây ra cái chết cho cháu để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Bởi lẽ, trẻ em là đối tượng đặc biệt mà cả xã hội quan tâm và được pháp luật bảo vệ.
Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
.............
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:
a) Làm chết người;