Với tình trạng thiếu container rỗng phục vụ nhu cầu xuất khẩu như hiện nay, nhiều ý kiến đề xuất giải phóng container “vô chủ” để giải quyết “cơn khát” này, tuy nhiên, để làm được điều này là không hề dễ.
Với tình trạng thiếu container rỗng phục vụ nhu cầu xuất khẩu như hiện nay, nhiều ý kiến đề xuất giải phóng container “vô chủ” để giải quyết “cơn khát” này, tuy nhiên, để làm được điều này là không hề dễ.
Đứng trước tình trạng thiếu này, Hiệp hội các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) đề xuất cơ quan quản lý nhà nước phối hợp xử lý số lượng lớn container phế liệu, bỏ hàng,... tồn đọng tại cảng biển và kêu gọi các chủ hàng giải phóng container rỗng nhập khẩu nhanh.
Đồng quan điểm, các hãng tàu bao gồm: Mearsk, CMA - CGM, Wanhai, Cosco, OOCL… cũng đều đề xuất cơ quan chức năng xem xét để giải quyết tình trạng hàng ngàn container “vô chủ” tồn đọng ở cảng biển nước ta để lấy nguồn container rỗng.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 10/2020, lượng container phế liệu còn tồn đọng từ 90 ngày trở lên tại các cảng biển ước tính còn khoảng 3.300 container.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, việc giải phóng container “vô chủ” này là bài toán khó bởi liên quan đến sở hữu chủ nếu các cơ quan quản lý làm không kỹ sẽ dẫn đến tình trạng bị kiện ngược lại từ phía chủ các lô hàng.
Đối với phế liệu nhập khẩu, để giải phóng được số lượng này thì phải dỡ hàng, tìm các giải pháp tiêu huỷ như chôn, đốt, tuy nhiên các chi phí này rất tốn kém, bản thân chủ hãng tàu cũng không muốn đứng ra xử lý để lấy lại container rỗng, còn phía bên mua tất nhiên “bỏ của chạy lấy người”, còn phía Nhà nước thì lại không đủ kinh phí để xử lý. Đây được xem là câu chuyện luẩn quẩn nhiều năm nay chưa có hướng để giải quyết.
Theo chuyên gia giao thông, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, nếu chi phí giải phóng thấp, thủ tục nhanh chóng thì chủ hãng tàu họ còn muốn đứng ra làm, thế nhưng chi phí giải phóng cao, tốn kém và phức tạp thì chủ hãng tàu sẽ không lấy về.
Trong số những container “vô chủ” này có khoảng 70% là rác phế liệu. Trong đó, có nhiều container chứa phế thải lẫn nhiều tạp chất cùng những chất thải độc hại gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, việc xử lý như thế nào để đảm bảo vấn đề môi trường là vấn đề nan giải.
Nhiều ý kiến đề xuất cho phép bán lại phế liệu “vô chủ” nhưng đủ quy chuẩn Việt Nam cho các doanh nghiệp đã được cấp phép. Còn phế liệu không đủ quy chuẩn thì cho những doanh nghiệp xử lý chất thải hoặc có doanh nghiệp nào đủ điều kiện bóc tách, thu hồi phần có giá trị cao, phần tạp chất chưa đáp ứng được thì thuê nhà máy xử lý rác thải để xử lý.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thủ tục giải quyết chỗ container “vô chủ” rất phức tạp, do đó khó có thể giải quyết trong ngắn hạn. Nhà nước có thể cho doanh nghiệp đấu thầu giải quyết số container “vô chủ” thay vì lập hội đồng cơ quan nhà nước để giải quyết. Muốn vậy cũng phải sửa đổi các quy định, mà việc sửa đổi văn bản thường sẽ lâu.
Tuy nhiên, nhân việc thiếu vỏ container hiện nay để thúc đẩy giải quyết các container “vô chủ” cũng rất tốt, ông Hải cho biết thêm.
Còn theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, nên đề xuất Chính phủ những mặt hàng phế liệu còn giá trị có thể cho doanh nghiệp vào đấu thầu và bán.
Đối với những mặt hàng phải tiêu huỷ, khả năng Nhà nước sẽ phải bỏ kinh phí. Cùng với đó, các doanh nhiệp chủ hãng tàu và các cảng biển cũng phải bỏ một phần chi phí. Còn phía các công ty xử lý rác thải thì nên giảm chi phí tiêu huỷ.
Nếu mỗi bên chịu một chút thì vấn đề có thể giải quyết được, cung cấp một lượng lớn vỏ container rỗng cho xuất nhập khẩu, giảm khó khăn cho các doanh nghiệp, ông Hiệp cho hay.