Giá dầu tại châu Á tăng trong phiên 5/8 sau khi giảm xuống mức thấp nhất 6 tháng trong phiên trước.
Giá dầu tại châu Á tăng trong phiên 5/8 sau khi giảm xuống mức thấp nhất 6 tháng trong phiên trước.
Lúc 13h30 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent tăng 55 xu Mỹ (0,6%) lên 94,67 USD/thùng. Trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI tăng 65 xu Mỹ (0,8%) lên 89,19 USD/thùng.
Trước đó, phiên sáng nay (5/8), giá cả 2 loại dầu trên giảm mạnh. Cụ thể, mỗi thùng dầu WTI giảm còn 87,8 USD và dầu Brent giảm xuống 94,1 USD. Tính từ khi đạt đỉnh 123 USD một thùng hôm 8/3 do chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, giá dầu WTI hiện giảm gần 30%.
Giá dầu chịu sức ép trong tuần này, khi thị trường lo ngại về tác động của lạm phát đến tăng trưởng kinh tế và nhu cầu, nhưng các dấu hiệu về sự thắt chặt nguồn cung đã tạo động lực cho giá dầu.
Thị trường giảm từ phiên 3/8, sau báo cáo của chính phủ Mỹ cho thấy tồn kho xăng dầu nước này bất ngờ tăng. Việc này khiến giới buôn dầu lo ngại, do đây là tín hiệu nhu cầu đang yếu đi.
Theo Robert Yawger, Phó Giám đốc Mizuho Securities, báo cáo trên cho thấy hoạt động lọc dầu giảm, tồn kho xăng tăng và lượng xăng được bán ra thị trường cũng giảm. "Ba việc này thường không xảy ra trong mùa hè", ông nói, "nó ám chỉ nhu cầu ngoài kia đang yếu".
Báo cáo cho thấy người Mỹ đang dùng ít xăng hơn cả năm ngoái và năm kia. Một số người thậm chí đã ngừng lái xe khi giá xăng nước này lên kỷ lục trên 5 USD một gallon (3,7 lít) hồi giữa tháng 6. Dù vậy, giá xăng trung bình tại Mỹ đã giảm dần, hiện về 4,14 USD một gallon.
Ngày 4/8, nhóm các nhà sản xuất dầu mỏ OPEC+ đã thống nhất tăng sản lượng thêm 100.000 thùng/ngày vào tháng 9. Đây là mức được đánh giá là nhỏ so với mức tăng 650.000 thùng/ngày vào tháng 7 và tháng 8.
Các nhà phân tích của ANZ Research cho rằng việc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tăng sản lượng rất nhỏ cho thấy thị trường hạn chế về khả năng thích ứng trước sự thiếu hụt nguồn cung hơn nữa.
Những lo ngại về nguồn cung được cho là sẽ gia tăng khi mùa Đông đến, do các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu, với việc cấm nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga bằng đường biển, sẽ có hiệu lực vào ngày 5/12.
Hiện dấu hiệu về sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế đang hạn chế đà phục hồi của giá dầu. Những lo ngại về suy thoái đã gia tăng sau cảnh báo của Ngân hàng trung ương Anh về tình trạng suy thoái kéo dài sau khi ngân hàng này tăng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 1995.
Các nhà đầu tư đang chờ báo cáo việc làm của Mỹ sẽ được công bố trong ngày 5/8, với dự báo 250.000 việc làm mới được tạo ra trong tháng 7, sau khi con số này đạt 372.000 trong tháng 6.
Nếu có dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm mạnh, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể đẩy mạnh nỗ lực kiềm chế lạm phát.