Tính đến thời điểm hiện tại, đề xuất áp dụng mức giá trần đối với dầu Nga của nhóm G7 vấp phải các luồng ý kiến trái chiều.
Tính đến thời điểm hiện tại, đề xuất áp dụng mức giá trần đối với dầu Nga của nhóm G7 vấp phải các luồng ý kiến trái chiều.
Cụ thể, nhóm quốc gia G7 đưa ra ý kiến về việc giới hạn giá đối với dầu của Nga nhằm siết chặt hơn khả năng hỗ trợ của Điện Kremlin trong cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng như bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao.
Trong đó, Mỹ là nước ủng hộ lớn nhất động thái này.
Hồi tháng 5/2022, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã giải thích ý kiến này với người đồng cấp khu vực châu Âu rằng, việc giới hạn giá dầu của Nga sẽ tương tự như cách thức áp một mức thuế lên mặt hàng nào đó. Đồng thời, Mỹ cũng ngỏ lời giúp đỡ châu Âu trong lĩnh vực năng lượng.
Mục đích của cơ chế áp giá trần là nhằm gắn các dịch vụ tài chính, bảo hiểm và vận chuyển dầu đường biển với giá dầu của Nga. Từ đó, các công ty vận chuyển muốn tiếp cận các dịch vụ này từ các công ty thuộc G7 phải cam kết việc giá dầu từ Nga không được bán trên mức giá trần.
Thế nhưng, Claudio Galimberti, Phó Chủ tịch Công ty nghiên cứu năng lượng Rystad cho hay: “Có rất nhiều trở ngại để thực hiện điều trên bởi đơn giản Nga có thể quyết định không bán với giá trần mà nhóm G7 đề ra, đặc biệt nếu giá đó gần bằng giá thành sản xuất”.
Được biết, khối EU từng nhận khoảng 25% lượng dầu từ Nga và là một trong những quốc gia nhập khẩu quan trọng nhất của Điện Kremlin trong ngành dầu mỏ. Do đó, việc ngừng mua dầu hoặc áp đặt bất kỳ lệnh trừng phạt nào lên Nga cũng gây ra khó khăn cho cả quốc gia này và EU.
Xem thêm: Các nhà lãnh đạo G7 cam kết hỗ trợ 28 tỷ euro cho ngân sách Ukraine
Về phần mình, Điện Kremlin cảnh báo, bất kỳ nỗ lực nào nhằm áp đặt giới hạn đối với giá dầu Nga sẽ gây hại nhiều hơn lợi.
Bên cạnh đó, các nhà phân tích năng lượng cũng đặt câu hỏi về cách thức chính xác khi áp dụng giá trần đối với dầu của Nga, đồng thời cảnh báo động thái này có thể phản tác dụng nếu những quốc gia chủ chốt trong việc nhập khẩu dầu Nga phản đối.
Neil Atkinson, một nhà phân tích về lĩnh vực dầu cho hay: “Kế hoạch này sẽ khả thi nếu G7 thu hút được toàn bộ các quốc gia quan trọng, ở đây bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ - hai thị trường tiêu thụ dầu Nga lớn nhất”.
Atkinson cho biết thêm, Trung Quốc và Ấn Độ đã “hưởng lợi rất nhiều” từ việc giảm giá dầu thô của Nga. Dầu của Nga được bán với mức chiết khấu cao từ 30 USD trở lên khi so sánh với giá dầu thô Brent chuẩn quốc tế ở mức 110 USD/thùng.
Đồng tình quan điểm với Atkinson, Co-Founder, đồng thời là Giám đốc nghiên cứu tại Energy Aspects - bà Amrita Sen chia sẻ: “Thành thật mà nói, ý tưởng áp mức giá trần với dầu của Nga không hề khả thi”.
Ngoài ra, bà Sen cũng cho hay, quan điểm các quốc gia trên thế giới đều đồng nhất với các nhà hoạch định chính sách phương Tây là một “suy nghĩ sai lầm lớn nhất hiện nay”.
Xem thêm: JPMorgan: Giá dầu có thể vọt lên 380 USD/thùng nếu Nga giảm sâu sản lượng