EU hồi cuối tuần vừa rồi đã phải vật lộn để giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ liên minh này khi họ cố gắng tìm cách đưa được một mức giá trần trước thời hạn ngày 5/12, khi lệnh cấm vận mà EU đã nhất trí trước đó đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga có hiệu lực. Các cuộc đàm phán đã bị đình trệ trong những ngày gần đây khi Ba Lan thúc đẩy một thỏa thuận giá trần thấp hơn nhiều so với những gì Ủy ban châu Âu ủng hộ.
Brussels đang phối hợp làm việc cùng với các quốc gia thuộc nhóm G7 để thực hiện việc áp đặt mức giá trần đề xuất đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga với mục tiêu cho phép mặt hàng này của Nga tiếp tục được được giao dịch trong khi hạn chế khả năng tăng nguồn tiền cho Nga để tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine.
Sáng kiến này sẽ cấm các công ty bảo hiểm và các dịch vụ thiết yếu khác phục vụ hoạt động vận chuyển dầu thô của Nga bằng đường biển trừ khi dầu thô này được bán bằng hoặc thấp hơn mức giá trần đã thỏa thuận của G7.
Tuy nhiên, trong khi các quốc gia thành viên EU sẵn sàng thực hiện biện pháp này thì họ lại có lập trường khác nhau về mức giá trần. “Đây là thời điểm mà chúng ta cần phát đi tín hiệu đoàn kết rõ ràng tới ông Vladimir Putin,” một nhà ngoại giao EU cho biết, đồng thời chỉ trích quyết định của Ba Lan khi khăng khăng đòi giữ nguyên mức giá trần thấp mà nước này đưa ra. “Vấn đề đó cần được giải quyết ổn thỏa trước ngày 5/12.”
Ủy ban Châu Âu đang thúc đẩy mức giá tối đa là 65 USD/một thùng, nhưng các quốc gia thành viên theo phe diều hâu do Ba Lan dẫn đầu khăng khăng nói rằng mức giá đó sẽ không hiệu quả vì nó quá gần với mức giá mà Nga đang bán ra thị trường, có nghĩa là biên phát trừng phạt này sẽ không có tác dụng trừng phạt đối với Điện Kremlin.
Dầu thô Brent, tiêu chuẩn quốc tế, đang giao dịch ở mức khoảng 84 USD/ một thùng, nhưng dầu của Nga đã giảm giá mạnh khi người mua châu Âu quay lưng lại với mặt hàng này của Nga. Cụ thể, dầu Urals chính được giao dịch ở mức khoảng 66 USD/ một thùng.
Warsaw đang yêu cầu một mức giá thấp hơn nhiều với lập luận rằng điều đó là cần thiết để đảm bảo doanh thu từ dầu mỏ của Tổng thống Putin bị cắt giảm. Một quan chức Ba Lan hôm qua (27/11) cho biết chính phủ nước này về nguyên tắc ủng hộ việc áp đặt mức giá trần đối với dầu mỏ của Nga nhưng coi mức 65 USD/ một thùng là “cực kỳ cao” so với chi phí sản xuất của Nga.
Vị quan chức của Ba Lan nói thêm rằng Warsaw cũng muốn đưa mức giá trần vào gói trừng phạt thứ 9 rộng hơn của EU nhằm vào Nga, nhưng Ủy ban Châu Âu lo ngại điều này có thể làm căng thẳng thêm các cuộc đàm phán. Ba Lan và các quốc gia khác cũng đang mặc cả về cơ chế xem xét lại mức giá.
Các quốc gia thành viên khác của EU, bao gồm cả những quốc gia có ngành vận tải biển lớn như Hy Lạp, Malta và Síp, muốn đảm bảo mức giá đủ cao để duy trì hoạt động buôn bán dầu mỏ của Nga - một lập trường có thể được Mỹ ủng hộ.
Bộ Tài chính Mỹ đang dẫn đầu nỗ lực đưa ra mức giá trần của G7 một phần do lo ngại các biện pháp trừng phạt của EU có thể gây ra tình trạng tăng giá dầu mạnh nếu quá nhiều dầu của Nga không thể đưa ra thị trường.
Nếu mức trần giá được đặt quá thấp, các nhà phân tích cho rằng Nga có thể mất đi động lực để tiếp tục sản xuất, thay vào đó họ ưu tiên cắt giảm sản lượng để đẩy giá toàn cầu tăng lên nhằm bù đắp cho những thiệt hại của họ.
Moscow đã liên tục tuyên bố rằng họ sẽ không bán dầu cho bất kỳ quốc gia nào tham gia vào việc áp dụng giá trần. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Joe Biden hy vọng các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ - những nước dự kiến sẽ tiếp nhận hàng hóa của Nga bị cấm nhập khẩu từ châu Âu - sẽ vẫn có thể sử dụng mức giá trần này để tiến hành đàm phán các giao dịch có giá thấp hơn.