Nguồn khí đốt dự trữ của Đức không đủ để nước này sống sót qua mùa đông tới nếu không mua thêm khí đốt từ Nga, vị quan chức hàng đầu phụ trách về mạng lưới điện và khí đốt của Đức mới đây đã thừa nhận như vậy.
Nguồn khí đốt dự trữ của Đức không đủ để nước này sống sót qua mùa đông tới nếu không mua thêm khí đốt từ Nga, vị quan chức hàng đầu phụ trách về mạng lưới điện và khí đốt của Đức mới đây đã thừa nhận như vậy.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Bild am Sonntag của Đức được xuất bản ngày hôm qua (17/7), ông Klaus Muller cảnh báo rằng, trong khi “các bể dự trữ khí đốt hiện đang đầy gần 65%” và “nguồn dự trữ này tốt hơn các tuần trước đó” nhưng nó vẫn không đủ để Đức “sống sót qua mùa đông mà không có khí đốt của Nga.”
Ông Muller – Chủ tịch Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức, nói thêm rằng Đức hiện tại phụ thuộc rất nhiều vào việc liệu công việc bảo dưỡng, bảo trì đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 1 của Nga có kết thúc đúng như thông báo là vào thứ Năm tới (21/7) hay không.
Khi được hỏi sẽ mất bao nhiêu thời gian trước khi giá năng lượng cho người tiêu dùng ở Đức tiếp tục tăng cao trong trường hợp nguồn khi đốt từ Nga bị cắt đứt hoàn toàn, ông Muller cho biết hiện chưa có quyết định nào được đưa ra.
Tuy nhiên, ông Muller cũng đưa ra những đảm bảo, nhấn mạnh rằng “sẽ không có bất kỳ sự tăng giá mạnh nào trong tuần này, thậm chí kể cả khi Dòng chảy Phương Bắc 1 bị đóng.”
Vị quan chức ngành năng lượng của Đức nhấn mạnh người Đức “không nên hoảng loạn”, đảm bảo rằng “các hộ gia đình tư nhân có ít lý do nhất để lo lắng” và sẽ được cung cấp khí đốt lâu hơn nhiều so với các ngành công nghiệp.
Hơn nữa, theo ông Muller, “không có kịch bản mà ở đó chúng ta hoàn toàn không có khí đốt”. Theo ông Muller, nếu Nga cắt nguồn cung cấp hoàn toàn thì các nước khác như Na-uy, Hà Lan và Bỉ sẽ bán nhiên liệu hóa thạch cho Đức. Trong tương lai, các trạm khí thiên nhiên hóa lỏng của Đức cũng sẽ tạo ra sự khác biệt, Chủ tịch Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức nói thêm.
Nhấn mạnh Châu Âu đoàn kết nhưng Đức liệu có từ bỏ được nguồn khí đốt của Nga?
Mặc dù đang phải đối mặt với tình hình khó khăn về nhiên liệu, ông Muller bác bỏ đề xuất cho rằng Berlin nên cấm xuất khẩu khí đốt sang các nước láng giềng Châu Âu, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tình đoàn kết trong Châu Âu.
“Giống như việc chúng ta đang được hưởng lợi từ các cảng khí thiên nhiên hóa lỏng ở Bỉ và Hà Lan,” Đức sẽ giúp đỡ các nước láng giềng nếu họ đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt nghiêm trọng, ông Muller cam kết.
Ông Muller dự đoán Đức sẽ phải đối mặt với hai mùa đông khó khăn trước mắt với nguy cơ thiếu khí đốt nhưng đến mùa hè năm 2024, Đức sẽ độc lập được với nguồn khí đốt từ Nga.
“Tuy nhiên, có một sự thật là giá cả sẽ không bao giờ về lại mức thấp như trước kia”, ông Muller thừa nhận.
Kể từ khi Nga phát động cuộc tấn công vào Ukraine hồi tháng Hai, giá cả khí đốt ở Châu Âu đã tăng chóng mặt, đạt mức cao nhất mọi thời đại với giá lên tới 3.600 USD/1.000 mét khối hồi đầu tháng Ba.
Trong khi Ukraine và một số quốc gia Đông Âu, trong đó có Ba Lan, liên tục kêu gọi EU cấm nhập khẩu khí đốt của Nga thì Brussels đến nay vẫn không thể thực hiện được điều này do sự thiếu đồng thuận giữa các nước thành viên. Đức rõ ràng nằm trong số các nước không thể ra đòn trừng phạt nhằm vào ngành khí đốt của Nga bởi hơn ai hết nước này hiểu rằng một đòn trừng phạt như vậy sẽ “gậy ông đập lưng ông”.
Giới chức chính phủ Đức và đại diện của các ngành công nghiệp Đức liên tục cảnh báo việc thiếu nguồn khí đốt của Nga sẽ giáng một đòn cực mạnh vào nền kinh tế nước này.