Trong văn bản góp ý, HoREA cho rằng, TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện thành công rất nhiều cuộc đấu giá quyền sử dụng đất điển hình là các dự án Dragon City, Sài Gòn Pearl, 23 Lê Duẩn quận 1, Sài Gòn One Tower… nhưng cũng có trường hợp đấu giá không thành công như các cuộc đấu giá 04 lô đất Thủ Thiêm vừa qua.
Hiệp hội nhận thấy, đấu giá quyền sử dụng đất nhằm 02 mục đích chủ yếu: Một là, thu về cho ngân sách nhà nước giá trị quyền sử dụng đất cao nhất của khu đất đấu giá để thực hiện dự án đầu tư theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, 1/2000 được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Hai là, lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực triển khai thực hiện dự án đầu tư.
Nhưng có một số “bất cập” về đấu giá quyền sử dụng đất tại Điều 65 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo đó, HoREA đề nghị bỏ quy định không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp thuộc đối tượng đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Hiệp hội này cho rằng, điểm b khoản 1 Điều 65 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định điều kiện thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đối với khu đất “b) Không thuộc các trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất quy định tại Điều 63 và Điều 64 của Luật này”, mà Điều 64 quy định về đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Nhưng một khu đất có đã có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc 1/2000 thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể lựa chọn hoặc đấu giá quyền sử dụng đất, hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất, như trường hợp 04 lô đất Thủ Thiêm đã có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 thì thực hiện đấu giá hoặc thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư đều phù hợp.
Do vậy, Hiệp hội đề nghị xây dựng hoàn thiện điểm b khoản 1 Điều 65 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), như sau: “b) Không thuộc các trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất quy định tại Điều 63 và Điều 64 của Luật này”.
Bên cạnh đó, HoREA đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc 1/2000 của khu đất để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất.
Hiệp hội này đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc 1/2000 của khu đất để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất. Do vậy, Hiệp hội đề nghị xây dựng hoàn thiện điểm b khoản 4 Điều 65 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), về trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, như sau: “b) Tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc 1/2000 trước khi đấu giá quyền sử dụng đất”.
HoREA cũng đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh lựa chọn áp dụng hình thức đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư tại điểm c (mới) khoản 4 Điều 65 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo HoREA, Khoản 1 Điều 40 Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định: và “1. Tổ chức đấu giá tài sản thỏa thuận với người có tài sản đấu giá lựa chọn một trong các hình thức sau đây để tiến hành cuộc đấu giá: a) Đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá; b) Đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá; c) Đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp; d) Đấu giá trực tuyến”, nhưng không quy định lựa chọn áp dụng hình thức đấu giá phù hợp với các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, mà qua 04 cuộc đấu giá 04 lô đất Thủ Thiêm để chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất đã cho thấy “bất cập” của việc áp dụng hình thức đấu giá các “đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá” là không phù hợp.
Theo phân tích của HoREA, có 02 trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất như sau: Một là, đấu giá từng nền nhà, căn nhà, căn hộ để chọn người mua có giá cao nhất thì có thể áp dụng hình thức “đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá” hoặc hình thức “đấu thầu qua mạng”; Hai là, đấu giá khu đất để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thì cần quy định phải áp dụng hình thức “đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá” hoặc hình thức “đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp” thì mới phù hợp.
Trên cơ sở phân tích này, Hiệp hội đề nghị xây dựng hoàn thiện điểm c (mới) khoản 4 Điều 65 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), như về trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh lựa chọn áp dụng hình thức đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp, như sau: “c (mới) Lựa chọn hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá hoặc đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất”.
Hiệp hội này cũng đề nghị Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sửa đổi đồng bộ, bổ sung điểm đ (mới) khoản 1 Điều 40 Luật Đấu giá tài sản 2016, như sau: “đ (mới) Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh lựa chọn hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá hoặc đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất”.
Hiệp hội này cũng nhấn mạnh, đối với trường hợp đấu giá từng nền nhà, căn nhà, căn hộ để chọn người mua có giá cao nhất thì có thể áp dụng hình thức “đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá” hoặc hình thức “đấu thầu qua mạng” theo quy định của Luật Đấu giá tài sản 2016).