Sau khi đồng yên đầu tiên phá vỡ mốc giảm kỷ lục kể từ năm 1990, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Masato Kanda đã nói với các phóng viên rằng giới chức Nhật Bản "luôn sẵn sàng thực hiện các hành động cần thiết khi sự biến động quá mức ngày càng trở nên không thể chấp nhận được."
Ông Kanda, Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách các vấn đề quốc tế, cho biết ông sẽ không bình luận về việc liệu Nhật Bản sẽ can thiệp hay đã can thiệp vào thị trường tiền tệ sớm hơn vào ngày hôm qua hay không.
Việc đồng yên Nhật vượt qua mức được theo dõi chặt chẽ đã làm gia tăng áp lực buộc Tokyo phải tham gia vào thị trường tiền tệ một lần nữa để kiềm chế sự sụt giảm không ngừng của đồng yên - một diễn biến đang khiến các hóa đơn nhập khẩu vốn đã tăng của nước này đang ngày một phồng lên.
Việc giảm giá quá mức của đồng yên cũng đưa Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vào tâm điểm chú ý trước thềm cuộc họp chính sách vào tuần tới, khi ngân hàng này được cho là sẽ tiếp tục duy trì mức lãi suất cực thấp - một mức lãi suất được cho là nguyên nhân đẩy đồng yên xuống thấp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cũng nói với các phóng viên sau đợt trượt giá mới nhất của đồng yên, rằng ông sẽ "có hành động mang tính quyết định" trước những đợt giảm giá quá mạnh của đồng yên vừa rồi.
“Chúng tôi không thể chấp nhận những diễn biến thị trường tiền tệ quá nhanh và quá mức được thúc đẩy bởi hành động đầu cơ như vậy”, ông Suzuki nói. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản nói thêm rằng: “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi các diễn biến thay đổi của tiền tệ một cách kỹ càng”.
Việc đồng yên phá vỡ mức 150 so với đồng đô la đã đưa nó xuống mức yếu nhất kể từ tháng 8 năm 1990. Khi đó, đồng yên được giao dịch ở mức 149,770.
Đồng yên Nhật đang trượt dài
Đồng đô la đã tăng khoảng 30% so với đồng yên trong năm nay, mặc dù Nhật Bản đã chi tới mức kỷ lục 2,8 nghìn tỷ yên (19,7 tỷ USD) để can thiệp vào thị trường ngoại hối trong tháng 9 để hỗ trợ đồng tiền của mình.
Ông Moh Siong Sum - một chiến lược gia tiền tệ tại Bank of Singapore, đã nhận định về ngưỡng 150 của đồng yên Nhật, nói rằng: "Đó là một mức độ giảm mạnh có thể kích hoạt sự can thiệp ... mọi người đã dự đoán về khả năng có một sự can thiệp".
"Mọi người sẽ theo dõi tình hình một cách lo lắng và xem xem liệu có bất kỳ hành động can thiệp nào hay không. Nếu không, họ sẽ đẩy mọi thứ đi xa hơn, xa hơn nữa. Đó là cách thị trường vận động. Mức giảm tiếp theo mà tôi thấy sẽ ở khoảng 153".
Về phần mình, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã tăng cường nỗ lực để bảo vệ giới hạn lợi suất trái phiếu 0% trước đó vào ngày hôm qua với các đề nghị mua trái phiếu khẩn cấp. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda đã nhiều lần loại trừ khả năng nâng lãi suất hiện đang cực thấp của ngân hàng để điều chỉnh xu hướng giảm của đồng yên.
Bước đi của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho thấy tình thế tiến thoái lưỡng nan mà Tokyo đang phải đối mặt trong việc cố gắng kiềm chế sự sụt giảm không được đón chào của đồng yên, mà không cần dùng đến các đợt tăng lãi suất có thể làm chệch hướng sự phục hồi mong manh của nền kinh tế Nhật Bản.