Phân tích từ Bloomberg chỉ ra, xuất siêu Trung Quốc không chịu nhiều tác động sau "đòn thuế" Tổng thống Donald Trump thực hiện năm 2018.
Phân tích từ Bloomberg chỉ ra, xuất siêu Trung Quốc không chịu nhiều tác động sau "đòn thuế" Tổng thống Donald Trump thực hiện năm 2018.
Chiến tranh thương mại - công nghệ Mỹ - Trung là dấu ấn lớn trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Sau 4 năm nắm quyền tại Nhà Trắng, tới nay, kết quả cuộc chiến không phản ánh như những gì Trump kỳ vọng.
Năm 2018, Trump tuyên bố việc áp thuế lên hàng Trung Quốc khiến nền kinh tế nước này trải qua giai đoạn tồi tệ nhất sau 50 năm. Song, thực tế chỉ ra, giá trị xuất khẩu giữa Trung Quốc và Mỹ rất nhỏ so với quy mô GDP.
Yang Zhou, kinh tế gia tại Đại học Minnesota cho biết, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng bằng hoặc cao hơn khoảng 6% trong cả 2018 và 2019, với chi phí thuế chiếm 0,3% GDP.
Theo ước tính, cuộc thương chiến với Mỹ chỉ gây tổn hại 0,08% lên tổng GDP Trung Quốc. Mặt khác, các quốc gia hưởng lợi là những đểm đến đầu tư mới của nhóm doanh nghiệp từ Ấn Độ và Đông Nam Á.
Trump nhiều lần tuyên bố, Trung Quốc đang trả tiền cho cuộc chiến thuế. Song, chuyên gia cho rằng thiệt hại phần nhiều thuộc về nhóm người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ. Các nhà sản xuất Trung Quốc không hạ giá để duy trì giá cạnh tranh sau khi bị áp thuế.
Báo cáo của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia chỉ ra, thuế áp lên hàng Trung Quốc dẫn đến thiệt hại thu nhập cho người tiêu dùng Mỹ khoảng 16,8 tỷ USD/năm. Ngoài ra, thuế nhập khẩu với hàng hóa Trung Quốc có xu hướng giảm xuất khẩu của Mỹ. Bằng việc đánh thuế lên linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc, Washington đã áp thuế lên hàng hóa của chính Mỹ.
Trong khối sản xuất, tỷ lệ việc làm cũng đi ngang trong năm 2019, phần nhiều cho xuất khẩu giảm. Michael Waugh, thuộc Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York nhận định, không có bằng chứng nào cho thấy thuế mang lại lợi ích cho người lao động.
Về thâm hụt thương mại, năm 2016, Trump tuyên bố nhanh chóng đảo ngược thâm hụt của Mỹ với Trung Quốc. Tới năm 2019, mức thâm hụt đã giảm so với cùng kỳ năm 2019 do các công ty Mỹ chuyển sang nhập khẩu từ những quốc gia khác. Song, so với năm 2016, khoảng chênh lệch vẫn lên đến 254 tỷ USD, một phần do Bắc Kinh áp thuế trả đũa lên 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Bắc Kinh từng cam kết nhập khẩu 172 tỷ USD hàng hóa của Mỹ trong 2020 ở thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Cuối tháng 11 cùng năm, nước này chỉ thực hiện 51% mục tiêu. Một phần nguyên nhân do giá năng lượng sụt giảm giữa bối cảnh đại dịch và các vấn đề với Boeing.
Bloomberg chỉ ra, tình trạng thâm hụt dai dẳng cho thấy mức độ phụ thuộc của các doanh nghiệp Mỹ vào năng lực sản xuất khổng lồ của Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh đại dịch.
Ông Trump chỉ ra việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001 đã giúp nền kinh tế nước này "phi mã". Ông nhấn mạnh rằng điều đó không công bằng khiến chiến tranh thương mại với Mỹ thậm chí còn mở rộng hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc.
Sau 2 năm thu hẹp liên tiếp hồi 2015 và 2016, tổng sản lượng xuất khẩu của Trung Quốc tăng lên mỗi năm kể từ khi Trump nhậm chức. Các quốc gia Đông Nam Á thay thế Mỹ thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Trung Quốc năm 2019.