Hơn 20 triệu liều vắc-xin Covid-19 đã phân bổ cho các địa phương nhưng chưa tiêm hết
Hơn 20 triệu liều vắc-xin Covid-19 đã phân bổ cho các địa phương nhưng chưa tiêm hết
Bộ Y tế cho biết ngày 17-11, nước ta ghi nhận 9.849 ca mắc Covid-19 tại 56 tỉnh, thành phố, trong đó 4.956 ca ở cộng đồng; 3.873 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh; số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.338 ca. Nước ta đã tiêm hơn 102 triệu liều vắc-xin Covid-19, trong đó hơn 36,8 triệu người đã tiêm đủ liều.
Bộ Y tế chiều 17-11 đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương về kiểm điểm tiến độ triển khai tiêm chủng vắc-xin Covid-19.
Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, đến ngày 16-11, Bộ Y tế đã có quyết định phân bổ 129,6 triệu liều vắc-xin. Các địa phương đã triển khai tiêm được hơn 102,1 triệu liều (tổng số mũi 1 là hơn 65,3 triệu liều, tổng số mũi 2 là hơn 36,8 triệu liều). 18 tỉnh, thành có tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều đối với người dân từ 18 tuổi trở lên đạt 95%.
Đến nay, 17 tỉnh, thành triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi với khoảng 1,5 triệu liều vắc-xin đã tiêm. Quảng Ninh, Vĩnh Long, Hậu Giang đã triển khai tiêm mũi 1 cho 100% trẻ em từ 12-17 tuổi. Còn hơn 20 triệu liều vắc-xin đã phân bổ cho các địa phương nhưng chưa tiêm hết.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các địa phương báo cáo tình hình triển khai, nguyên nhân gây tồn đọng vắc-xin chưa tiêm cho người dân, báo cáo đề xuất số lượng, chủng loại vắc-xin cần phân bổ để triển khai trong thời gian tới.
Bộ Y tế cũng vừa có công văn đề nghị các tỉnh, thành khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng để nhanh chóng đạt được độ bao phủ mũi 1 cho 100% dân số từ 18 tuổi trở lên (ưu tiên cho người từ 50 tuổi trở lên và người có bệnh nền) và tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.
Địa phương, đơn vị nào nhận vắc-xin từ nguồn khác (nguồn do doanh nghiệp viện trợ trực tiếp cho địa phương...) mà không báo cáo Bộ Y tế, không kiểm định theo quy định nhưng tự tổ chức tiêm thì phải chịu trách nhiệm. Bộ Y tế sẽ thông báo công khai những địa phương có tiến độ tiêm chủng chậm, tỉ lệ bao phủ vắc-xin thấp.
Bộ Y tế đang trình Chính phủ kế hoạch mua, sử dụng vắc-xin Covid-19 năm 2021-2022, trong đó đề nghị vẫn thực hiện tiêm chủng miễn phí vắc-xin Covid-19 cho người dân đến hết năm 2022. Bộ sẽ triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ 3 vào cuối năm 2021, đầu năm 2022.
Liên quan đến thông tin TP Hà Nội thí điểm cách ly F1 tại nhà nhưng phải được sự đồng ý của hàng xóm, ngày 17-11, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội, khẳng định TP Hà Nội không chủ trương và cũng không có văn bản nào quy định về vấn đề này.
Trước đó 1 ngày, UBND TP Hà Nội có quy định cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú đối với người đã tiêm đủ liều vắc-xin đi về từ khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (cấp độ 4 và 3, tương ứng với màu đỏ và màu cam) và các tỉnh, TP có số ca mắc cao như: TP HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai…
Một số đại lý vé máy bay và hãng hàng không đã ghi nhận tình trạng hành khách hủy vé máy bay đến Hà Nội. Trên các hội, nhóm sang nhượng vé máy bay, nhiều người rao bán lại vé chặng bay TP HCM - Hà Nội.
PGS-TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, cho rằng Hà Nội cần phải có cơ sở tham mưu thực tiễn, bám sát vào nghị quyết và hướng dẫn của Bộ Y tế. Chính phủ và Bộ Y tế đã có hướng dẫn chung, các địa phương phải tuân thủ đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Hà Nội nếu cần thiết làm cao hơn 1 mức nhưng không được làm ảnh hưởng đến đời sống, phát triển kinh tế - xã hội của người dân. Việc thực hiện phải báo cáo Chính phủ, có lộ trình rõ ràng chứ không nên vội vàng.
Theo ông Nhung, đối với người dân về từ khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao phải bảo đảm điều kiện tiêm vắc-xin và xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ. Ví dụ người về từ TP HCM đang là cấp độ dịch cao hơn thì phải làm xét nghiệm âm tính, đặc biệt tuân thủ 5K, thực hiện khai báo y tế, chú ý đeo khẩu trang và không cần phải cách ly. Nếu nhiều người đi làm mà phải chờ cách ly xong sau 7 ngày thì sẽ ảnh hưởng rất lớn. Hà Nội cần điều chỉnh các quy định lại cho phù hợp.
Còn theo PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, TP Hà Nội ban hành công điện rất đột ngột khiến nhiều người đã mua vé, công việc sắp xếp hết rồi bị lỡ hết việc. Quy định này gây khó dễ cho người dân. Hà Nội chỉ nên áp dụng quy định những người tại khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ.
"Nên cho họ đi/về Hà Nội, không nên ngăn cấm. Điều quan trọng với những người dân đi/về Hà Nội là thực hiện tốt quy định 5K. Chúng ta phải trao quyền tự bảo vệ sức khỏe cho họ" - PGS-TS Nguyễn Huy Nga cho biết.
Ngày 17-11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho hay theo thông báo mới nhất về cấp độ dịch trên địa bàn theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế, 1 địa phương đạt cấp độ 3 là huyện Cần Giờ; 11 địa phương đạt cấp độ 2 gồm các quận - huyện: 3, 10, 11, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Hóc Môn, Củ Chi, Gò Vấp, Nhà Bè và TP Thủ Đức; 10 địa phương còn lại đạt cấp độ 1.
Theo HCDC, chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi đợt 1 đã thành công, an toàn với 651.468 trẻ được tiêm, đạt tỉ lệ 92,8%. Dự kiến ngày 22-11, TP sẽ triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ đợt 2, thực hiện tiêm mũi 2 cho trẻ đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.
UBND TP HCM vừa có văn bản khẩn, cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được thí điểm hoạt động đến 22 giờ hằng ngày từ nay đến hết ngày 30-11. Ở địa bàn cấp độ 1 và cấp độ 2, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống hoạt động bình thường mới. Ở địa bàn cấp độ 3, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phục vụ ăn uống tại chỗ không quá 50% công suất tại cùng một thời điểm; không được bán, không để khách sử dụng đồ uống có cồn. Ở địa bàn cấp độ 4, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ bán mang đi, không phục vụ ăn uống tại chỗ.
https://nld.com.vn/thoi-su/de-xuat-mien-phi-vac-xin-covid-19-den-het-nam-2022-20211117230738434.htm