Bộ Công Thương đề xuất trong nội dung sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu đang được lấy ý kiến là doanh nghiệp có thể tự định giá bán lẻ, cơ quan quản lý chỉ công bố giá cơ sở của mặt hàng này.
Bộ Công Thương đề xuất trong nội dung sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu đang được lấy ý kiến là doanh nghiệp có thể tự định giá bán lẻ, cơ quan quản lý chỉ công bố giá cơ sở của mặt hàng này.
Doanh nghiệp xăng dầu được tự định giá bán lẻ?
Tại dự thảo sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83, Bộ Công Thương đề xuất Bộ Tài chính phối hợp rà soát sửa đổi, bổ sung quy định về công thức giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo các phương án:
Phương án 1: Tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo quy định hiện hành và sửa đổi công thức giá cơ sở hiện hành theo hướng rà soát, bổ sung một số chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp, nhưng chưa được tính trong giá cơ sở hiện hành, như rà soát nội dung quy định về premium trong nước.
Đồng thời, rà soát các quy định về phương thức xác định các chi phí, tần suất xác định chi phí, bảo đảm tính đúng, tính đủ, kịp thời các chi phí trong giá cơ sở do Nhà nước công bố.
Phương án 2: Sửa đổi công thức giá và phương pháp công bố giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo hướng Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá gồm giá thế giới, các loại thuế thu vào ngân sách Nhà nước, lợi nhuận định mức, mức trích lập, chỉ sử dụng Quỹ bình ổn giá để định hướng cho việc tính và quyết định giá bán lẻ xăng dầu cụ thể của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Các doanh nghiệp căn cứ các chi phí thực tế của mình, gồm: các chi phí kinh doanh, chi phí vận chuyển, premium... để tự xác định và công bố giá bán lẻ của doanh nghiệp mình, thực hiện kê khai giá khi thay đổi giá và báo cáo về Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giám sát.
Bộ Công Thương lựa chọn phương án 2, theo đó Nhà nước chỉ công bố giá định hướng (gồm các yếu tố giá thế giới, thuế, lợi nhuận định mức, mức trích lập Quỹ bình ổn giá), các chi phí khác do các doanh nghiệp tự xác định và chịu trách nhiệm trước các cơ quan kiểm toán.
Theo Bộ Công Thương, phương án này sẽ giúp đưa giá xăng dầu dần về thị trường, giảm dần sự can thiệp của Nhà nước. Đồng thời, bảo đảm phản ánh đủ chi phí thực tế phát sinh của các doanh nghiệp trong giá cơ sở xăng dầu, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường.
Một nội dung đáng chú ý khác được Bộ Công Thương đề xuất trong dự thảo này là giảm số ngày điều hành xăng dầu từ 10 ngày hiện hành xuống 7 ngày để giá xăng dầu trong nước bám sát giá thế giới.
Đưa giá xăng dầu dần theo thị trường
Tờ trình của Bộ Công Thương cho biết, thời gian vừa qua, thị trường xăng dầu thế giới và trong nước có những biến động được đánh giá là rất bất thường, hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh tại một số địa bàn và các khó khăn của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thời gian vừa qua chủ yếu không phải do quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP như Bộ Công Thương đã báo cáo, phân tích tại Công văn số 721/BCT-TTTN ngày 03 tháng 11 năm 2022 về điều hành thị trường xăng dầu gửi Thủ tướng Chính phủ.
Việc điều hành mặt hàng xăng dầu phải thực hiện cùng một lúc nhiều mục tiêu như: giữ ổn định giá để kiểm soát lạm phát, bảm đảm an sinh xã hội; duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường phục vụ sản xuất, đời sống của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm an ninh năng lượng; phát triển thị trường xăng dầu lành mạnh, cân đối, có tính cạnh tranh; kiểm soát chặt chẽ đối tượng gia nhập thị trường…
Tuy nhiên, tại một số thời điểm, khi tập trung thực hiện mục tiêu này sẽ làm ảnh hưởng đến việc bảo đảm mục tiêu khác, ví dụ như việc kiểm soát, giữ ổn định giá bằng cách không điều chỉnh đủ và kịp thời các chi phí trong cơ cấu giá điều hành mặt hàng xăng dầu dẫn đến việc thua lỗ hoặc không bảo đảm khuyến khích doanh nghiệp tăng lượng nhập hàng để cung ứng cho thị trường, ảnh hưởng đến công tác bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường;
Việc kiểm soát chặt chẽ điều kiện gia nhập thị trường xăng dầu sẽ mâu thuẫn với việc thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường xăng dầu; việc xử lý mạnh tay đối với các hành vi vi phạm của doanh nghiệp dẫn đến hệ quả về việc gián đoạn nguồn cung…
“Hiện nay, có thể nói, Nhà nước chưa bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các mục tiêu nêu trên, trong khi đó, xăng dầu là lĩnh vực có đóng góp rất lớn cho nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ các loại thuế, phí… Nhà nước gần như không chi ngân sách cho các hoạt động bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường xăng dầu”- Tờ trình nêu.
Cơ quan soạn thảo cho rằng, xăng dầu cũng như các mặt hàng thiết yếu khác, đang được kinh doanh theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, để duy trì hoạt động kinh doanh, cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường, các doanh nghiệp cũng cần có động lực là lợi nhuận.
Vì vậy, về lâu dài, để bảo đảm sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường xăng dầu, Nhà nước cần xem xét chỉ đạo việc tăng nguồn lực về dự trữ quốc gia đối với mặt hàng xăng dầu để bình ổn thị trường khi cần thiết, giảm dần việc đưa ra những yêu cầu mang tính hành chính mệnh lệnh, bắt buộc (nhưng không có sự hỗ trợ về nguồn lực) đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu để thực hiện mục tiêu bảo đảm nguồn cung xăng dầu và an ninh năng lượng của quốc gia.