Đề thi và đáp án môn Ngữ Văn THPT Quốc gia 2021 sẽ được chúng tôi cập nhật dưới đây. Mời thí sinh và độc giả theo dõi.
Đề thi và đáp án môn Ngữ Văn THPT Quốc gia 2021 sẽ được chúng tôi cập nhật dưới đây. Mời thí sinh và độc giả theo dõi.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2021 được chia thành 2 đợt thi. Cụ thể, đợt 1 tổ chức vào ngày 7 - 8/7/2021, các thí sinh sẽ làm 5 bài thi, gồm: 3 bài thi độc lập, bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh); 1 bài thi tự chọn từ 2 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (gồm tổ hợp các môn Vật Lý, Hóa Học, Sinh Học) và bài thi tổ hợp khoa học xã hội (gồm tổ hợp các môn Lịch Sử, Địa lý, GDCD) đối với học sinh THPT và tổ hợp các môn Lịch Sử, Địa Lý đối với học sinh giáo dục thường xuyên.
Đợt 2 cho thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bao gồm các thí sinh thuộc nhóm F0, F1, F2 theo phân loại của ngành y tế, thí sinh cư trú trong khu vực đang bị phong tỏa, thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng để thực hiện biện pháp cấp cách phòng chống dịch Covid-19. Lịch thi đợt 2 sẽ được Bộ GD&ĐT thông báo tới thí sinh sau đó.
Với xu hướng ra đề ngày càng đổi mới, mở rộng, nội dung thi không chỉ là những tác phẩm văn học trong sách giáo khoa mà bao gồm cả hệ thống ngữ liệu với nội dung phong phú, đa dạng, gần gũi với đời sống hàng ngày. Chính điều này sẽ thôi thúc quá trình tự tìm tòi, học hỏi, và thái độ sống của học sinh trước các vấn đề nóng hổi trong xã hội.
Cấu trúc đề thi Ngữ Văn tốt nghiệp THPT với thời gian làm bài 120 phút gồm:
- Phần Đọc hiểu văn bản (3 điểm)
- Phần Làm văn (7 điểm)
+ Câu nghị luận xã hội (2 điểm)
+ Câu nghị luận văn học (5 điểm)
Phạm vi kiến thức trọng tâm cần lưu ý:
- Phần đọc hiểu văn bản:
Qua đề thi các năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra những đề ngày càng sát với thực tiễn và hướng về việc giáo dục nhân cách, đạo đức học sinh. Ở phần đọc hiểu có 4 câu hỏi tương ứng với 4 mức độ nhằm đánh giá học sinh một cách khách quan nhất đó là nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Phạm vi ngữ liệu thường được đưa ra là những vấn đề gần gũi với học sinh và phù hợp với nhận thức, trình độ của thí sinh.
Những vấn đề, sự kiện đời sống, xã hội nóng hổi hiện nay, thí sinh cần lưu tâm tìm hiểu để có vốn kiến thức phục vụ cho bài viết gồm: Ý thức cá nhân, cộng đồng trước Covid-19; tinh thần dân tộc, vấn đề chủ quyền biển đảo; trách nhiệm, cơ hội và thử thách của giới trẻ trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0; sự phát triển bản thân học sinh, góc nhìn mới về thời đại mới...
- Phần làm văn:
+ Câu 1: Đề nghị luận xã hội được rút ra từ phần đọc hiểu với độ dài khoảng 200 chữ. Vấn đề được nêu trong câu hỏi đều quen thuộc trong cuộc sống.
+ Câu 2: Chiếm nửa số điểm của toàn bài, là câu hỏi yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận văn học, liên quan tới các tác phẩm văn học trong chương trình phổ thông (chủ yếu là lớp 12). Bên cạnh đó là một ý nhỏ nâng cao để phân loại học sinh chiếm 0,5-1 điểm.
Các tác phẩm trong chương trình 12 cần lưu ý bao gồm: Tuyên ngôn độc lập (Hồ Chí Minh); Tây Tiến (Quang Dũng); Việt Bắc (Tố Hữu); Đất Nước (Nguyễn Khoa Điềm); Sóng (Xuân Quỳnh); Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường); Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân); Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài); Vợ nhặt (Kim Lân); Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành); Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu); Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Lưu Quang Vũ).
Để tránh tình trạng thiếu thời gian làm bài dẫn đến không hoàn thành bài thi trọn vẹn, học sinh nên chia và phân bố thời gian hợp lý: Phần đọc hiểu khoảng 20 phút, nghị luận xã hội 20 phút, nghị luận văn học 80 phút. Học sinh cần phải đọc kỹ đề, hạn chế nháp hoặc ghi quá nhiều trên nháp, tốn thời gian mà chỉ nên ghi các luận điểm chính để triển khai bài làm.
Những lưu ý từng phần như sau:
Phần đọc hiểu:
+ Đọc kỹ đoạn ngữ liệu 2-3 lần, xác định được nội dung mà đoạn văn muốn đề cập.
+ Với hệ thống câu hỏi được chia theo 4 mức độ, ở câu 1 và 2, thí sinh chỉ cần áp dụng kiến thức cơ bản để làm bài, trả lời đúng và đủ vấn đề. Ở câu hỏi vận dụng 3 và 4, thí sinh làm bài với độ dài 5-7 dòng cho mỗi câu. Thí sinh vận dụng vốn tri thức nền tảng về đời sống, xã hội để nêu lên quan điểm cá nhân. Bài viết cần rõ ràng, mạch lạc, đi thẳng vào trọng tâm vấn đề, tránh dẫn dắt lan man vấn đề.
+ Khi viết văn phải trình bày rõ ràng, luận điểm, luận cứ chặt chẽ và thuyết phục. Đối với các câu hỏi, thí sinh có thể sáng tạo và đưa quan điểm cá nhân để bài viết thêm sinh động.
Phần làm văn:
- Dạng viết đoạn văn 200 chữ:
+ Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn: Diễn dịch, quy nạp...
+ Xác định đúng vấn đề cần nghị luận.
+ Triển khai vấn đề cần nghị luận: Thể hiện sự hiểu biết, trải nghiệm của bản thân về vấn đề; biết nhìn nhận cuộc sống thông qua nhiều góc độ, phương diện, từ đó đưa ra ý kiến, quan điểm cá nhân, giải pháp; sử dụng thao tác lập luận phù hợp.
+ Dung lượng không quá dài, khoảng 2/3 trang giấy thi.
- Dạng luận văn học:
+ Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Mở bài giới thiệu được vấn đề; thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề.
+ Xác định đúng vấn đề cần nghị luận.
+ Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng.
+ Các diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc sẽ có thêm điểm sáng tạo.
PHẦN I. ĐỌC HIỂU
Câu 1.
Trong đoạn trích, sự ra đời của một dòng sông được diễn ra như sau: Từ những kẽ hở trên mặt đất, nước trào lên, mát lạnh và trong lành. Từ một dòng nước nhỏ, nước hòa vào với nước tươi mát rơi từ trên trời và nước thấm vào đất để tạo nên một dòng suối nhỏ cứ chảy mãi xuống cho tới khi, một dòng sông ra đời.
Câu 2.
Món quà cuối cùng nước dành tặng cho loài người trước khi hòa vào biển cả là những vùng nông nghiệp vĩ đại nhất trên thế giới được hình thành từ những vùng châu thổ màu mỡ.
Câu 3.
Những câu văn giúp con người hiểu được:
- Về dòng chảy của nước: Hiền hòa, dịu nhẹ, là người bạn chứng kiến, gắn bó với cuộc sống của con người.
- Về cuộc sống của con người: Bình yên, giản dị, đầm ấm, hạnh phúc.
Câu 4. Đây là một câu hỏi mở. Học sinh nêu cách hiểu của cá nhân. Cần lí giải thuyết phục, hợp lí. Sau đây là gợi ý:
- Cuộc sống là một hành trình dài. Trong hành trình ấy, con người cần gắn kết với thế giới xung quanh, cống hiến những gì đẹp đẽ nhất cho cuộc đời.
- Cuộc đời riêng của mỗi người là một phần của cuộc sống, hãy biết hòa nhập vào cuộc đời chung để tạo nên những điều tốt đẹp.
- Cuộc sống có ý nghĩa khi con người sống hết mình, trân trọng từng giây phút trong cuộc đời.
PHẦN II. LÀM VĂN
Câu 1: (2,0 điểm)
Đề bài: Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết phải biết sống cống hiến.
Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn (0,25 điểm)
- Viết thành đoạn văn (khoảng 200 chữ).
- Có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng-phân-hợp, móc xích hoặc song hành.
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm)
Sự cần thiết phải biết sống cống hiến.
Triển khai vấn đề nghị luận (1,0 điểm)
Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ sự cần thiết phải biết sống cống hiến. Có thể theo hướng sau:
- Giải thích: Cống hiến là tự nguyện dâng hiến công sức, đóng góp sức mình cho cộng đồng, xã hội.
→ Khẳng định vai trò, sự cần thiết của lẽ sống cống hiến.
- Bình luận:
Sống cống hiến tạo ra sức mạnh to lớn cho cộng đồng, lan tỏa những năng lượng tích cực, những thông điệp có ý nghĩa, góp phần làm cho xã hội ngày càng tiến bộ, văn minh.
Sống cống hiến mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho mỗi cá nhân, định hướng giúp mỗi cá nhân tự hoàn thiện mình, có ý thức trách nhiệm với bản thân, với đất nước.
Sống cống hiến thể hiện nét đẹp truyền thống của ông cha ta.
- Chứng minh: Nêu và phân tích được một vài minh chứng cho sự cần thiết phải biết sống cống hiến. Gợi ý:
Chủ tịch Hồ Chí Minh vì độc lập của dân tộc, đã dành trọn cả cuộc đời cống hiến cho đất nước, cho nhân dân.
Các y bác sĩ đã toàn tâm, toàn lực đi sâu vào vùng dịch bệnh để cùng nhân dân các tỉnh, thành phố khoanh vùng dịch, dập dịch không quản ngại khó khăn, gian khổ.
- Liên hệ, mở rộng: Liên hệ đến nhận nhận thức và hành động của bản thân về sự cần thiết phải sống cống hiến. Gợi ý:
Có suy nghĩ đúng đắn, hành động thiết thực vì lợi ích chung của cộng đồng.
Phê phán những con người sống vị kỉ, vụ lợi,...
Chính tả, ngữ pháp (0,25 điểm)
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt.
Sáng tạo (0,25 điểm)
Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.
Ngoài đề thi và đáp án môn Ngữ Văn THPT Quốc gia 2021, các thí sinh có thể theo dõi các thông tin tuyển sinh, đề thi và đáp án của từng môn thi với mã đề tương ứng tại Cafedautu.vn, những thông tin mới sẽ luôn được cập nhật nhanh và liên tục tại đây.