Người tiêu dùng trả tiền cho quỹ xăng dầu nhưng quỹ lại do doanh nghiệp quản lý quyết định, người tiêu dùng không tiếp cận được thông tin về việc sử dụng quỹ nên rất bất cập, nghi ngờ có thể gian dối. – ĐB Phạm Văn Hòa nêu ý kiến…
Người tiêu dùng trả tiền cho quỹ xăng dầu nhưng quỹ lại do doanh nghiệp quản lý quyết định, người tiêu dùng không tiếp cận được thông tin về việc sử dụng quỹ nên rất bất cập, nghi ngờ có thể gian dối. – ĐB Phạm Văn Hòa nêu ý kiến…
Đóng góp ý kiến xây dựng Luật Giá, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh - Khánh Hoà đặt vấn đề: từ đầu tháng 10 vừa qua, tình trạng đứt gãy nguồn cung khan hiếm xăng, dầu xảy ra trên diện rộng, không hiếm gặp hình ảnh các cây xăng đóng cửa hay người dân xếp hàng dài chờ đến lượt mua.
“Vậy không rõ vai trò của Quỹ bình ổn giá xăng, dầu ở đâu? Liệu có nên duy trì quỹ này nữa hay không?” – ĐB Đỗ Ngọc Thịnh đặt câu hỏi và cho rằng, “nên chăng, đã đến lúc phải thay đổi cơ chế Quỹ bình ổn giá bằng các công cụ điều tiết giá khác hiệu quả hơn để giá cả hàng hóa vận hành theo quy luật của thị trường.”
Theo ĐB, vấn đề này cần được liên Bộ Tài chính - Bộ Công Thương cân nhắc một cách thận trọng hơn, và việc quy định lập Quỹ bình ổn giá thành một điều luật riêng tại dự thảo Điều 22 là không phù hợp.
ĐB Phạm Văn Hòa - Đồng Tháp cũng đề nghị nên cân nhắc có nên tiếp tục duy trì quỹ xăng dầu hay không, vì quỹ không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước, nguồn hình thành từ giá do người tiêu thụ chi trả.
“Hiện tại, người tiêu dùng trả 300 đồng trên 1 lít, nhưng lại do doanh nghiệp quản lý quyết định, người tiêu dùng không tiếp cận được thông tin về việc sử dụng quỹ nên rất bất cập, nghi ngờ có thể gian dối. Mặt khác, giá xăng, dầu trong nước đã liên thông với giá thế giới, cần theo cơ chế thị trường sẽ phù hợp hơn. Trong trường hợp thật cần thiết, Nhà nước sẽ điều tiết giá xăng, dầu bằng công cụ khác như thuế, phí để hỗ trợ cho đối tượng yếu thế.” – ĐB Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
ĐB Trịnh Xuân An - Đồng Nai thì phân tích: "Chúng ta cứ đi giải trình là phải giữ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu. Liên quan đến quỹ này, báo cáo giải trình có nêu một ý mà tôi cho rằng phải làm rõ thêm, đó là sử dụng từ "Quỹ bình ổn giá xăng, dầu là bước đệm để chúng ta quản lý, sử dụng giá xăng, dầu.
"Tôi không hiểu bước đệm này là bước đệm gì và đặc biệt, các lý do mà các đại biểu phát biểu để không tồn tại Quỹ bình ổn giá xăng, dầu nữa là điều rất có lý. Tôi trân trọng đề nghị Ban soạn thảo hết sức nghiên cứu vấn đề này. Chúng ta còn rất nhiều công cụ khác để điều chỉnh, không nhất thiết chúng ta phải để một quỹ đang còn rất nhiều vấn đề phải tranh luận, nhiều vấn đề phải tiếp tục làm rõ.”
Cũng quan tâm đến vấn đề nóng bỏng là giá xăng, ĐB Vũ Tuấn Anh - Phú Thọ phân tích: “Xét về bản chất thì giá cả hàng hóa, dịch vụ thực hiện trích Quỹ bình ổn giá vẫn vận hành theo cơ chế thị trường, vẫn tăng, vẫn giảm phụ thuộc vào thị trường, nhưng khi sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá sẽ có tác động làm cho giá cả tăng chậm hơn hoặc giảm chậm hơn. Do đó, nếu sử dụng được các biện pháp bình ổn giá khác như thông qua điều hòa, kiểm soát cung, cầu, quy định tại khoản 3 Điều 20 của dự thảo luật thì không cần thiết phải sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá.”
Tuy nhiên, theo ĐB Vũ Tuấn Anh, trong điều kiện hiện nay và một số năm tới thì việc bình ổn giá xăng dầu thông qua điều hòa, kiểm soát cung, cầu còn khó khăn nên “trước mắt”, ĐB thống nhất giữ Quỹ bình ổn giá như dự thảo, song cần quy định rõ là chỉ lập đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, còn không lập Quỹ bình ổn giá đối với các hàng hóa, dịch vụ khác.
Đặc biệt, ĐB Vũ Tuấn Anh đề nghị cần có quy định cụ thể về việc công khai, minh bạch việc trích và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu để đảm bảo việc thực thi trong luật này.
Trước đó, giải trình ý kiến các ĐBQH tại phiên thảo luận tổ hôm 9/11, đại diện Bộ Tài chính cho biết, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ đặc thù, được lập theo Nghị định 84/2009 về kinh doanh xăng dầu và các nghị định sửa đổi sau này (Nghị định 83/2014 và Nghị định 95/2021), trước thời điểm Luật Giá 2012 được ban hành.
Giai đoạn vừa qua khi giá xăng dầu thế giới nhiều biến động, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã phát huy tác dụng tích cực và hiệu quả, tạo bước đệm bình ổn giá và không để giá nhiên liệu trong nước tăng sốc.
Cũng theo Bộ Tài chính, một số bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương khi được lấy ý kiến đã đề nghị vẫn duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Do đó, Chính phủ thống nhất đề xuất trước mắt chưa bỏ công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.