Theo ĐBQH Ma Thị Thúy, chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cần ưu tiên đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm có tác động lan tỏa lớn…
Theo ĐBQH Ma Thị Thúy, chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cần ưu tiên đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm có tác động lan tỏa lớn…
Đóng góp ý kiến cho Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần ưu tiên đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm có tác động lan tỏa lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như xây dựng các tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, các tuyến cao tốc vùng Đồng bằng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, tuyến cao tốc tốc độ cao Bắc Kạn - Cao Bằng, cao tốc Sơn La - Điện Biên, hạ tầng giao thông kết nối các vùng cảng biển, cửa khẩu, khu và cụm công nghiệp để khai thác được tiềm năng, thế mạnh của các cảng biển, sân bay, trung tâm thương mại lớn, phát triển quỹ đất, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Bên cạnh đó, ĐB cho rằng Chính phủ cần quan tâm gắn kết việc phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược với mục tiêu, kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm và đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thông qua cũng như giải quyết các vấn đề đang đặt ra hiện nay như các tuyến kết nối cửa khẩu với các trung tâm sản xuất, kết nối giữa các cửa khẩu với nhau và nâng cao năng lực các tuyến vành đai biên giới phía Bắc.
Cùng quan điểm, ĐB Trần Chí Cường (TP Đà Nẵng) cho rằng, gói đầu tư kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển là một trong những đòn bẩy trong phục hồi kinh tế.
Do đó, ĐB đề nghị cần sớm có rà soát, điều chỉnh danh mục dự án đầu tư công, bổ sung, thuyết minh chi tiết các dự án được lựa chọn theo các nguyên tắc, tiêu chí để làm rõ thứ tự ưu tiên đầu tư, bảo đảm việc phân bổ vốn, lựa chọn các dự án thuộc danh mục đầu tư trên cơ sở khoa học, hợp lý, công khai, minh bạch, khách quan, trọng tâm, trọng điểm và đặc biệt lựa chọn dự án phải đảm bảo tính khả thi, đảm bảo hoàn tất các thủ tục đầu tư để có thể triển khai thực hiện giải ngân và hấp thụ vốn ngay trong năm 2022, 2023.
ĐB TP Đà Nẵng cũng nêu rõ, trong thực tế hiện nay, hoạt động đầu tư vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn, cần tiếp tục tháo gỡ.
“Qua Báo cáo của tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương đã cho thấy hiện có 30 vấn đề liên quan đến kiến nghị sửa đổi nghị định, thông tư.
Do đó, kính đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành quyết liệt và khẩn trương hơn trong việc tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ, khơi thông điểm nghẽn, thúc đẩy đầu tư phát triển, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình.” – ĐB Trần Chí Cường nêu ý kiến.
Về vấn đề này, ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, việc cần đề xuất cụ thể danh mục đầu tư để xem xét sự cần thiết và tính khả thi với quy mô khoảng 103.000 tỷ đồng, thực hiện trong 2 năm là rất khó khăn.
“Để hấp thụ được nguồn lực này có hiệu quả đối với các địa phương đã có quy hoạch cao tốc nhưng chưa được đầu tư, chưa đến giai đoạn đầu tư, đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí trước mắt cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông có tính liên kết vùng, kết nối với cao tốc hiện có nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, đồng thời là tiền đề để đầu tư cao tốc theo giai đoạn đã được phê duyệt trong quy hoạch”- ĐB tỉnh Vĩnh Phúc đề xuất.