Chuỗi cung ứng lạnh, phân khúc hái ra tiền của ngành Logistics

Thứ bảy, 26/12/2020 | 18:11 Theo dõi CFĐT trên

Chuỗi cung ứng lạnh - Cold Chain, được hiểu là chuỗi cung ứng, vận chuyển và hậu cần có khả năng duy trì và kiểm soát nhiệt độ thích hợp với các loại hàng hóa có yêu cầu bảo quản ở các mức lạnh khác nhau.

Chuỗi cung ứng lạnh đang hái ra tiền

Logistic là ngành hái ra "vàng" vào thời điểm hiện tại. Trong khi các ngành công nghiệp khác khổ sở vì đại dịch Covid-19, các nhà đầu tư vẫn không ngần ngại đầu tư số tiền lớn để đảm bảo cho chuỗi cung ứng và hậu cần của mình được thông suốt. 

Trong quý II năm 2020, giá thuê dịch vụ kho bãi, hậu cần hầu như không đổi trong khi đa số các dịch vụ cho thuê văn phòng, bán lẻ cùng với giá trị vốn đã giảm ở các thị trường lớn tại Châu Á Thái Bình Dương.

Một phần bởi Covid-19 đã thúc đẩy các ngành thương mại điện tử phát triển, dẫn đến một lượng nhu cầu lớn dành cho bất động sản hậu cần như kho bãi, bến đỗ. Doanh thu cuối năm 2020 của thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam dự kiến đạt 13 tỷ USD, là một trong số những thị trường thương mại điện tử phát triển mạnh nhất ở Đông Nam Á.

Phục vụ người tiêu dùng là tiêu chí của bất kì ngành thương mại dịch vụ nào, Logistic là một trong số những ngành thương mại dịch vụ thiết yếu nhất cũng không ngoại lệ. Tốc độ giao hàng luôn là một trong số những yếu tố chính tác động đến việc người mua hàng có nhấn vào nút thanh toán hay không. Với tình hình dịch bệnh bất ổn, lựa chọn ngồi ở nhà cầm điện thoại đi chợ sẽ là lựa chọn khôn ngoan đối với các bà mẹ bỉm sữa. Từ đó nhu cầu kho trữ lạnh cho các mặt hàng rau củ quả và các nhu yếu phẩm, thực phẩm ra đời. 

Thị trường chuỗi cung ứng lạnh toàn cầu được định giá 4,7 tỷ USD vào năm 2019 và dự kiến sẽ đạt mức 8,2 tỷ USD vào năm 2025; tăng trưởng với tốc độ trung bình năm là 12,5% trong giai đoạn 2020 - 2025. 

logistics-container
Nhu cầu lưu trữ, vận chuyển và hậu cần đối với các sản phẩm nhạy nhiệt ngày càng cao

Nhu cầu của các sản phẩm nhạy nhiệt ngày càng tăng cao

Nhu cầu kho chứa lạnh ngày càng tăng do lưu lượng các sản phẩm nhạy cảm với nhiệt độ ngày càng nhiều như mỹ phẩm, thực phẩm. Các nhà đầu tư trong nước lẫn quốc tế vẫn luôn để ý đến tiềm năng của mảng dịch vụ chuỗi cung ứng lạnh và càng ngày càng nhiều kho lạnh ra đời, đặc biệt là ở các khu vực đông dân cư.

Các sản phẩm chăm sóc sức khỏe đặc biệt như thuốc, dụng cụ y tế, đặc biệt là vaccine là nguồn thúc đẩy lớn cho ngành kho vận lạnh trong năm 2020. Đặc biệt là vaccine Covid-19 và các loại vaccine khác trong tương lai. Hầu hết các loại vaccine đều cần duy trì nhiệt độ thấp trong khâu vận chuyển để bảo đảm hiệu quả khi sử dụng. Chắc chắn ngành Logistic sẽ nhận một cú hích tăng trưởng khi giải bài toán bảo quản và lưu chuyển lạnh cho vaccine vào thời điểm hiện tại, đặc biệt là chuỗi cung ứng lạnh.

Dịch vụ cung ứng vaccine có những tiêu chuẩn vô cùng khắt khe trong khâu bảo quản và vận chuyển. Từ nhà máy sản xuất, các nhân viên sẽ phải đặt vaccine vào trong các khay và xếp trong các hộp lạnh được định vị GPS chứa đầy đá khô. Vaccine cần được bảo quản ở nhiệt độ phù hợp, hơn 1 độ hay bớt 1 độ cũng có thể làm ảnh hưởng đến hiệu quả của nó.

Sau đó, xe tải sẽ đưa vaccine lên sân bay hoặc trực tiếp đến bệnh viện và các điểm tiêm chủng. Cả quá trình, vaccine buộc phải được bảo quản ở điều kiện yêu cầu. Đây là những tiêu chuẩn vô cùng khắt khe cho 1 loại dịch vụ mới chỉ xuất hiện trên thị trường. Lợi nhuận chắc chắn sẽ không nhỏ, tuy nhiên thách thức luôn đi song hành cho các nhà đầu tư và cung cấp dịch vụ muốn nắm bắt cơ hội.

"Ngành tự động hóa trong lĩnh vực cung ứng vận chuyển và hậu cần sẽ trở thành xu hướng phát triển chính trong thời gian tới do sức ép của đại dịch Covid-19", Bà Trang Bùi, giám đốc cấp cao mảng thị trường JLL Việt Nam chia sẻ.

Không ngừng đổi mới công nghệ, nỗ lực bắt kịp xu hướng là yêu cầu cần thiết để ngành Logistic đa phương thức và chuỗi lạnh đáp ứng được nhu cầu dành cho phân khúc sản phẩm nhạy nhiệt như thực phẩm, mỹ phẩm hay vaccine đang không ngừng tăng trưởng. 

Theo bà Trang, để đạt được những mục tiêu tăng trưởng trong tương lai, ngành hậu cầu Việt Nam sẽ còn phải vượt qua nhiều thách thức. Trước hết, để Việt Nam có thể tiến lên giai đoạn tiếp theo trong quá trình phát triển logistics công nghiệp, các cơ quan quản lý cần tiếp tục duy trì mức đầu tư hợp lý vào cơ sở hạ tầng, chú trọng vào việc phát triển cả hệ thống đường cao tốc và mạng lưới tiện ích, kể cả năng lượng tái tạo. 

Bên cạnh đó, quy trình giao thương xuyên biên giới của Việt Nam bao gồm cả thời gian và chi phí vẫn còn cần nhiều cải tiến đáng kể. Chi phí giao dịch qua biên giới, bao gồm chi phí tuân thủ tài liệu thủ tục và chi phí xuất nhập khẩu ở Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với hầu hết các nước trong khu vực.

Thanh Phong
Cafe Khởi nghiệp