Tình huống tháo chạy đã kích thích dòng tiền vào mua, đẩy thanh khoản hai sàn niêm yết tăng vọt 121% so với sáng hôm qua và đạt kỷ lục kể từ cuối tháng 8/2022...
Tình huống tháo chạy đã kích thích dòng tiền vào mua, đẩy thanh khoản hai sàn niêm yết tăng vọt 121% so với sáng hôm qua và đạt kỷ lục kể từ cuối tháng 8/2022...
Thông tin trên Vneconomy cho hay, dù không có thông tin sốc đột ngột nào, nhưng thị trường sáng nay phản ứng cực kỳ hoảng loạn. Áp lực bán tháo đẩy gần như toàn bộ cổ phiếu lao dốc, trong đó 145 mã giảm kịch biên độ trên 3 sàn. VN-Index có lúc giảm 4,35%. Tình huống tháo chạy này đã kích thích dòng tiền vào mua, đẩy thanh khoản hai sàn niêm yết tăng vọt 121% so với sáng hôm qua và đạt kỷ lục kể từ cuối tháng 8/2022.
Theo Vneconomy, rất khó để tìm nguyên nhân chính xác cho sự hoảng loạn này. Tuy nhiên có thể khẳng định thị trường không có thông tin gì quá xấu hay bất ngờ. Đây có thể là một đợt giải chấp và cắt lỗ cộng hưởng, khi những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu “lì” nhất cũng không chịu đựng nổi và phải bán đi.
VN-Index kết phiên sáng giảm 3,99% với 442 mã giảm/29 mã tăng. Trong số này 50 mã giảm sàn, gần 200 mã giảm trên 3%, số giảm từ 1% tới 2% là 40 mã. Mức độ sụt giảm ở cổ phiếu như vậy là cực kỳ mạnh.
VN30-Index chốt phiên cũng giảm 4,1% với toàn bộ giảm giá, trong đó TCB giảm sàn và 23 cổ phiếu khác giảm từ 2% trở lên. Rổ này cũng có gần một nửa (14 mã) là giảm quá 5% giá trị.
Nhóm Midcap cũng đang giảm 3,88%, Smallcap giảm 4,19%. Toàn bộ các nhóm ngành trên HoSE cũng đều lao dốc rất nặng, trong đó nhóm tài chính giảm tới 5,56%. Không có gì bất ngờ vì cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán nằm trong số các mã giảm mạnh nhất. Trong 27 cổ phiếu ngân hàng ở các sàn, hai mã giảm nhẹ nhất là KLB giảm 1,6% và SSB giảm 2,5%, còn lại toàn giảm 3% trở lên, với LPB, TCB và NVB giảm sàn. Nhóm chứng khoán cũng xuất hiện 6 mã giảm sàn và khoảng 20 mã khác giảm từ 6% trở lên.
Trong bối cảnh toàn thị trường chìm trong bán tháo, số ngược dòng đều là các cổ phiếu có thanh khoản quá kém nên việc giữ giá không đáng tin cậy. Điều đáng quan tâm hơn là khả năng phục hồi giá: Thống kê ở HoSE, có 120 cổ phiếu đã phục hồi thoát đáy với biên độ 1% trở lên. Tổng số cổ phiếu đã thoát đáy là 240/352 mã có giao dịch sáng nay.
Điểm thứ hai là thanh khoản. Thị trường bị bán tháo dữ dội toàn diện tức là đại đa số muốn thoát ra. Vì thế những người đi ngược dòng mua vào mới đáng chú ý. Sáng nay tổng giá trị khớp lệnh HoSE và HNX đạt trên 7.989 tỷ đồng, tăng 121% so với sáng hôm qua. HoSE tăng 121% đạt 7.324 tỷ đồng. Rổ VN30 tăng giao dịch 155%, đạt 3.239 tỷ đồng.
Tính về khối lượng, HoSE có 454 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, HNX khoảng 42,8 triệu cổ. Đây là lượng cổ phiếu rất lớn vì cả ngày hôm qua hai sàn cũng mới giao dịch hơn 550 triệu cổ. Cổ phiếu được mua càng nhiều càng giúp các nhà đầu tư muốn bán đi được giải phóng nhanh hơn.
Khối ngoại chủ yếu cũng nằm ở phía bán sáng nay, nhưng mức ròng không lớn. Cụ thể, tổng giá trị mua vào ở HoSE là 530,5 tỷ đồng, bán ra 667,5 tỷ, tương ứng bán ròng 137 tỷ đồng. STB bị xả nhiều nhất với 50,7 tỷ, DXG -50,3 tỷ, GEX -28,2 tỷ, VND -26,6 tỷ, PVD -25 tỷ, SSI -24,8 tỷ. Phía mua chỉ có chứng chỉ quỹ FUEVFVND +24,6 tỷ là đáng kể.
Vietnamplus phân tích: Theo Bloomberg, chỉ số VN-Index có thể hồi phục trong ngắn hạn sau làn sóng bán tháo dữ dội khởi đầu từ cuối tháng 8/2022. Dù vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn đứng ngoài quan sát để xem “liệu thị trường con gấu có tiếp diễn hay thị trường đã đạt đáy chưa”, bà Cao Thị Ngọc Quỳnh, Giám đốc Phát triển Khách hàng tổ chức tại CTCK SSI, cho hay.
Giới đầu tư cho rằng câu chuyện dài hạn của Việt Nam vẫn chưa bị tác động nhờ vị thế kinh tế vĩ mô vững mạnh hơn so với các nước trong khu vực. Đất nước hình chữ S cũng hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng. GDP Việt Nam được dự báo tăng trưởng 7% trong năm nay.
“Việt Nam vẫn là lựa chọn hàng đầu của chúng tôi”, Ruchir Desai, nhà quản lý quỹ Asia Frontier Capital, cho hay. Ông đang hỗ trợ quản lý 87 triệu USD tài sản ở Việt Nam và các thị trường khác như Bangladesh, Pakistan và Sri Lanka.
Chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ
Vietnam finance dẫn nguồn tin từ CNBC, Reuters cho hay, sau hai ngày “thăng hoa”, các chỉ số chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm khiến nhà đầu tư lo ngại về một đợt thoái trào mới của thị trường.
Chốt phiên 6/10, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 346,93 điểm, tương đương 1,15%, xuống 29.926,94 điểm.
S&P 500 mất 1,02% xuống 3.744,52 điểm, trong khi Nasdaq Composite giảm 0,68% xuống 11.073,31 điểm.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 2 điểm cơ bản lên 3,8%. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm, vốn nhạy cảm hơn với những thay đổi về chính sách tiền tệ, đã tăng 3 điểm cơ bản lên 4,2%.
Trước đó, sau khi có cú tăng ngoạn mục gần 1.500 điểm trong hai phiên đầu tiên của quý IV, chỉ số Dow Jones quay đầu giảm điểm trong phiên 5/10 khi mất 42,45 điểm, tương đương 0,14%, xuống 30.273,87. Có thời điểm chỉ số này giảm 429,88 điểm, tương đương 1%, và để mất mốc 30.000 điểm.
Ông Mark Hackett, trưởng bộ phận nghiên cứu đầu tư tại Nationwide, nhận định: “Rất ít người tin rằng diễn biến gần đây không chỉ là đợt hồi phục sau thị trường giá xuống và họ hoài nghi về sự bền vững của đà tăng. Tâm lý thị trường vẫn bất ổn, từ các CEO cho đến doanh nghiệp nhỏ, người tiêu dùng và nhà đầu tư."
Trong khi đó, Ông Dave Sekera, chiến lược gia tại Morningstar Inc (MORN.O), cho biết tăng trưởng sẽ vẫn chậm chạp trong tương lai gần và có khả năng sẽ không bắt đầu tăng tốc trở lại cho đến nửa cuối năm 2023, nhưng ông không thấy sự suy giảm mạnh.
“Chúng tôi không dự báo về một cuộc suy thoái. Các thị trường đang tìm kiếm sự rõ ràng trong bối cảnh hoạt động kinh tế sẽ tăng tốc trở lại và tạo ra sự phục hồi bền vững,” ông Sekera cho biết.
“Lạm phát sẽ bắt đầu thực sự có xu hướng giảm, quay trở lại mục tiêu 2% của Fed", ông Sekera nói thêm.
Thị trường lao động vẫn thắt chặt ngay cả khi nhu cầu hạ nhiệt trong bối cảnh tỷ lệ lao động cao hơn. Trong ngày, báo cáo bảng lượng phi nông nghiệp về việc làm trong tháng 9 sẽ giúp các nhà đầu tư đánh giá liệu Cụ dự trữ liên bang Mỹ có thay đổi kế hoạch tăng lãi suất tích cực của mình hay không.
Từ đầu năm đến nay, VN-Index đã giảm hơn 27% trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại về đà tăng của lãi suất. Chỉ số chứng khoán Việt hiện có P/E ở mức 9 lần (tính trên EPS dự phóng trong 12 tháng), mức thấp nhất kể từ năm 2012. Đà giảm nhanh và mạnh của chứng khoán Việt đã thôi thúc các công ty quản lý quỹ như Coeli Asset Management đã tăng vị thế tại đất nước hình chữ S.
“Hiện có khá nhiều công ty chất lượng với cơ hội tăng trưởng tuyệt vời, nhưng lại được giao dịch thấp hơn mức trung bình lịch sử khoảng 1 độ lệch chuẩn. Đây là thời điểm tuyệt vời để mua vào”, James Bannan, nhà quản lý quỹ Coeli Asset, cho biết. Tính từ đầu năm 2022, NAV của quỹ Coeli Asset vẫn đi ngang nếu xét bằng đồng USD.