Chứng khoán Mỹ tràn ngập sắc đỏ do hiệu ứng GameStop

Thứ hai, 01/02/2021 | 18:09 Theo dõi CFĐT trên

Phố Wall giảm điểm trong phiên cuối tuần, với mức giảm theo tuần được ước tính lớn nhất kể từ thời điểm tháng 10/2020. Trong đó, các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều sụt giảm, chỉ số Dow Jones giảm 2.03%, S&P 500 giảm 1.93%, chỉ số Nasdaq giảm 2%.

Chứng khoán Mỹ tràn ngập sắc đỏ do hiệu ứng GameStop
Chứng khoán Mỹ tràn ngập sắc đỏ do hiệu ứng GameStop

Kết thúc phiên giao dịch hôm 29/1, chỉ số Dow Jones sụt 620.74 điểm, tương đương giảm 2% xuống còn 29,982.62 điểm, lần đầu chỉ số này rớt mốc 30,000 điểm kể từ ngày 14/12/2020. Chỉ số S&P 500 lùi 1.9% xuống còn 3,714.24 điểm khi 10 lĩnh vực thuộc chỉ số này ghi nhận sắc đỏ. Chỉ số Nasdaq Composite mất 2% còn 13,070.69 điểm khi cổ phiếu Apple sụt 3.7% và các cổ phiếu công nghệ lớn khác cũng giảm.

Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều sụt hơn 3% trong tuần qua, đợt sụt điểm này đánh dấu một tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 10/2020. Từ đầu tháng đến nay, chỉ số Dow Jones và S&P 500 lần lượt giảm 2% và 1.1%, ghi nhận tháng suy giảm đầu tiên trong 4 tháng. Trong khi, chỉ số Nasdaq Composite tăng 1.4% trong tháng này.

Cổ phiếu GameStop đã bứt phá lên mức 67.9% sau khi Robinhood - ứng dụng giao dịch cổ phiếu miễn phí cho biết sẽ cho phép giao dịch mua hạn chế cổ phiếu này và các cổ phiếu bị bán khống nhiều khác sau khi hạn chế quyền truy cập vào 29/1. Trong đêm 29/1, Robinhood đã huy động được hơn 1 tỷ USD từ các nhà đầu tư hiện tại của mình để đảm bảo có đủ vốn để cho phép một số giao dịch trở lại ở những cổ phiếu biến động mạnh như cổ phiếu GameStop.

Nhưng Robinhood đã có động thái cắt ngang bữa tiệc. Vào hôm thứ năm, với lý do mức độ biến động quá lớn, Robinhood dừng cho phép giao dịch các cổ phiếu đang "hot" trên diễn đàn Reddit. Động thái này đã đặt lực lượng Reddit trước hai lựa chọn giữ cổ phiếu hoặc bán cổ phiếu. Trong khi đó, các nhà đầu tư tổ chức là những người không cần tới Robinhood để tiến hành giao dịch vẫn có thể mua bán bình thường.

Những nhà đầu tư cá nhân kiếm được tiền nhờ chơi cổ phiếu GameStop lên tiếng hàng loạt trên mạng xã hội. Họ chỉ trích Robinhood, một nền tảng đã xây dựng được thương hiệu thông qua "dân chủ hóa" hoạt động đầu tư giường như đã khuất phục trước sức ép của những “đế chế” hùng mạnh ở Phố Wall.

Các nhà đầu tư lo ngại việc cố phiếu GameStop tiếp tục tăng theo kiểu đầy biến động như vậy, nó có thể gây xáo trộn trên thị trường tài chính, thậm chí gây ra thua lỗ cho các công ty môi giới như Robinhood và buộc các quỹ đầu cơ đặt cược vào cổ phiếu GameStop này phải bán các cổ phiếu khác để huy động tiền mặt.

Có một số lo ngại rằng, sự hưng phấn của cổ phiếu GameStop là một tín hiệu cho một “bong bóng” lớn hơn trên thị trường và sự phá vỡ của nó có thể gây ra sóng gió có thể ảnh hưởng nặng nề đến các nhà đầu tư bán lẻ.

Một số các nhà lập pháp cũng đã kêu gọi một cuộc điều tra về vụ mua bán hỗn loạn này. SEC cho biết, họ sẽ xem xét hành động của cơ quan quản lý để phát hiện liệu những quyết định có làm cho những nhà đầu tư bị thiệt thòi hay không.

Những lo ngại về hiện tượng “bán non” đã trở lại với thị trường chứng khoán trong phiên cuối tuần, sau khi một bộ phận các nhà đầu tư nhỏ lẻ tiếp tục tin tưởng đầu tư cổ phiếu GameStop cũng như Koss Corp, gây ra những tâm lý lo ngại rủi ro về sự khó đoán của thị trường chứng khoán ở thời điểm hiện tại, dẫn đến hoạt động chốt lời khiến chứng khoán giảm điểm.

Sự phản ứng mạnh mẽ của giới đầu tư trước thông tin về kết quả thử nghiệm của vaccine Johnson & Johnson cùng với “cuộc chiến” giữa các quỹ đầu cơ Phố Wall và những nhà đầu tư nhỏ lẻ là những yếu tố chính gây tác động đến thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 1.

Cổ phiếu của Johnson & Johnson giảm mạnh khi kết quả thử nghiệm cho thấy vaccine ngừa Covid-19 của hãng này có hiệu quả chỉ 72%, mức này thấp hơn rất nhiều so với các thử nghiệm trước đó của hãng Pfizer/BioNTech và hãng Moderna. Điều này đã khiến cổ phiếu Moderna tăng lên 8.53%, trong khi cổ phiếu Pfizer chỉ tăng nhẹ 0.11%.

Sự “điên cuồng” trong giao dịch bán lẻ đã khiến Phố Wall chao đảo. Chỉ số Dow Jones mất hơn 600 điểm vào hôm 27/1, chứng kiến phiên bán tháo mạnh nhất trong 3 tháng qua. Sau đó, chỉ số Dow Jones đã phục hồi 300 điểm vào hôm 28/1 trong bối cảnh thị trường chứng khoán khởi sắc rộng rãi. Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ “sợ hãi” trên Phố Wall vọt trên 33 vào ngày 29/1.

Thị trường cũng ghi nhận khối lượng giao dịch cao nhất trong nhiều năm khi cơn sốt nóng lên. Vào hôm 27/1, tổng khối lượng giao dịch trên thị trường đạt hơn 23.7 tỷ cổ phiếu, vượt mức trong thời kỳ đỉnh điểm cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Ngày 28/1 cũng chứng kiến khối lượng giao dịch lớn với hơn 19 tỷ cổ phiếu được truyền tay.

Đăng Khoa
Cafe Khởi nghiệp