Theo số liệu thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 0,87% so cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 0,87% so cùng kỳ năm trước.
Bộ Tài chính cho biết, mặt bằng giá tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng cao vào đầu năm sau đó giảm trong hai tháng tiếp theo và tăng nhẹ trở lại trong tháng 5 và tháng 6. Chỉ số CPI so với tháng trước của tháng 1/2021 tăng 0,06%, tháng 2/2021 tăng cao 1,52%, tháng 3/2020 giảm 0,27%, tháng 4 giảm 0,04%, tháng 5 tăng 0,16%, tháng 6 tăng 0,19%.
Như vậy, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 0,87% so cùng kỳ năm trước.
Cũng theo Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm, một số mặt hàng thiết yếu có biến động tăng giá do chi phí nguyên liệu đầu vào cũng như nhu cầu trong nước tăng như thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật liệu xây dựng (như xi măng, sắt, thép, cát, đặc biệt là giá thép). Mặt hàng xăng dầu, LPG trong nước giá tăng do tác động từ thị trường thế giới. Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu. Một số mặt hàng thực phẩm tăng cục bộ vào thời điểm Tết Nguyên đán sau đó lại trở lại mức giá bình thường sau Tết do nguồn cung dồi dào.
Các yếu tố tác động đến lạm phát nửa đầu năm nay có một phần do tổng cầu chưa hồi phục trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trong đó một số khu vực dịch vụ nhất là nhóm dịch vụ văn hóa, giải trí du lịch giá giảm mạnh do nhu cầu suy giảm; giá các mặt hàng thực phẩm trong đó có thịt lợn, thịt gà giảm so với cùng kỳ năm trước do nguồn cung trong nước dồi dào.
Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng để kiểm soát lạm phát là do sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng-Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, cùng sự vào cuộc tích cực, chủ động của các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quản lý, điều hành giá đã được đề ra trong kịch bản điều hành giá ngay từ đầu năm 2021.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, các mặt hàng do nhà nước định giá tiếp tục được giữ ổn định, chưa xem xét tăng giá nhằm tạo điều kiện cho công tác kiểm soát lạm phát ngay trong nửa đầu năm 2021; một số hàng hóa dịch vụ quan trọng thiết yếu tiếp tục được đề xuất giảm giá để hỗ trợ nền kinh tế như kéo dài quy định miễn thu hoặc giảm giá đối với một số dịch vụ chứng khoán, giảm giá tiền điện cho các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid 19; tăng chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước trước biến động tăng của giá thế giới.
Đồng thời, là các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc kịp thời của các bộ, ngành trong việc triển khai tham mưu, đề xuất các giải pháp bình ổn giá các mặt hàng có xu hướng tăng cao như thép xây dựng, phân bón...và gần đây là việc tăng giá cục bộ tại một số địa phương. Qua đó, đã giữ cho mặt bằng giá 7 tháng đầu năm ở mức hợp lý, tạo dư địa thuận lợi cho công tác kiểm soát lạm phát cả năm 2021 ở mức dưới 4% theo mục tiêu Quốc hội đặt ra.