Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), giá lương thực thế giới đã ghi nhận mức cao kỷ lục mới trong tháng 3 vừa qua.
Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), giá lương thực thế giới đã ghi nhận mức cao kỷ lục mới trong tháng 3 vừa qua.
Chỉ số giá lương thực của FAO tháng 3 đã tăng 12,6% so với tháng trước đó. Giá lương thực tăng cao, giá năng lượng leo thang đang khiến nhiều khu vực trong đó có các nước Mỹ Latin chịu tác động đáng kể từ cơn bão giá, làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát.
Chile, một trong những quốc gia giàu có nhất Nam Mỹ, đang vật lộn với lạm phát và giá cả tăng mạnh. Bà Cecilia - Người dân Chile nói: "Sự thật này thật đáng báo động và đáng buồn. Trước đây bạn có thể trang trải cả tháng bằng một số tiền nhất định, thì giờ cùng số tiền đó, bạn chỉ có thể chi tiêu trong gần 2 tuần, cùng lắm là tới ngày 20 của tháng".
Tại Mexico, nền kinh tế lớn thứ hai trong khu vực, giá tiêu dùng đã tăng trong tháng 3 với tốc độ chưa từng thấy kể từ năm 2001.
Bà Alicia Cabrera - Người dân Mexico cho biết: "Các mặt hàng cơ bản đang tăng giá nhiều nhất, vì vậy tất cả số tiền chúng tôi kiếm được không đủ để mua thực phẩm, đi học, mua quần áo, giày dép".
Trong khi đó, Brazil cũng đang chứng kiến lạm phát hàng tháng tăng vượt mức dự báo, lên mức cao nhất trong 28 năm qua. Mức tăng tại Peru cũng là cao nhất trong 25 năm.
Lạm phát tăng nhanh chóng, bất chấp việc chính phủ các nước tăng lãi suất và nỗ lực bình ổn giá thực phẩm và nhiên liệu cho người dân. Các nhà phân tích cho rằng tình hình này sẽ thúc đẩy các ngân hàng trung ương tăng lãi suất sớm hơn kế hoạch, nhằm kiềm chế lạm phát.
Ở Argentina, nơi lạm phát hàng năm đang ở mức trên 50% và dự kiến sẽ tiếp tục tăng, ngân hàng trung ương có khả năng sẽ nâng lãi suất một lần nữa trong tháng này, sau 3 lần nâng liên tiếp trong năm nay. Đặc biệt, Brazil đã tăng lãi suất trong 9 cuộc họp chính sách tiền tệ liên tiếp kể từ tháng 3/2021 để chống lại lạm phát, giúp đồng real tăng giá.
Theo thống kê, gần 60% các nền kinh tế phát triển hiện có lạm phát hàng năm trên 5%, tỷ trọng lớn nhất kể từ cuối những năm 1980.