Swati Daga chia sẻ: "Tôi thấy thị trường chứng khoán thật nhàm chán. Tôi thích được trải qua cảm giác hồi hộp và liều lĩnh khi đầu tư vào thị trường tiền kỹ thuật số”.
Swati Daga chia sẻ: "Tôi thấy thị trường chứng khoán thật nhàm chán. Tôi thích được trải qua cảm giác hồi hộp và liều lĩnh khi đầu tư vào thị trường tiền kỹ thuật số”.
Swati Daga - Giám đốc doanh nghiệp thực phẩm ở Ấn Độ cho biết, lần đầu tiên cô mua Bitcoin là vào năm 2017 khi tiền điện tử này giao dịch dưới ngưỡng 3.000 USD. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, việc đầu tư vào Bitcoin đã vấp phải sự phản đối của các thành viên gia đình bởi họ cho rằng hành động đó là “ném tiền qua cửa sổ”.
Thế nhưng, sau khi đầu tư vào đồng tiền ảo, giá trị của Bitcoin đã tăng gấp 15 lần và Swati Daga tiếp tục đầu tư 10% số tiền tiết kiệm của mình vào tiền ảo, bao gồm Bitcoin và Ethereum.
Cô chia sẻ thêm: “Tôi thấy thị trường chứng khoán thật nhàm chán. Tôi thích được trải qua cảm giác hồi hộp và liều lĩnh khi đầu tư vào thị trường tiền kỹ thuật số”.
Đáng chú ý, Swati Daga không phải người trẻ tuổi Ấn Độ duy nhất không thích đầu tư chứng khoán.
Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, Ấn Độ đã chứng kiến sự bùng nổ lớn trong giao dịch tiền điện tử mặc dù các nhà chức trách ở nền kinh tế lớn thứ ba châu Á này trong nhiều năm đã bày tỏ lo ngại về các loại tiền kỹ thuật số, thậm chí đồng thuận việc cấm giao dịch tiền ảo.
Xem thêm: Cộng hòa Trung Phi chấp nhận Bitcoin trở thành đồng tiền hợp pháp
Bên cạnh đó, các doanh nhân trong ngành cho rằng, Ấn Độ có tiềm năng trở thành siêu cường quốc về tiền điện tử vì đây là một trong những thị trường Internet nóng nhất trên thế giới với 750 triệu người dùng.
Thông tin thêm, năm ngoái, Ấn Độ chỉ xếp thứ hai sau Việt Nam trong danh sách các quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về việc áp dụng tiền điện tử. Sự tăng trưởng của thị trường tiền kỹ thuật được thúc đẩy bởi các nhà đầu tư trẻ, chủ yếu dưới 35 tuổi và nhiều người trong số họ đến từ các thành phố và thị trấn nhỏ.
Ngoài ra, dù Chính phủ Ấn Độ không công bố số lượng người giao dịch tiền điện tử nhưng các chuyên gia trong ngành cho rằng, quốc gia này hiện có thể có hơn 20 triệu nhà đầu tư trong lĩnh vực tiền điện tử.
Theo Sumit Gupta, CEO kiêm Co-Founder của sàn giao dịch CoinDCX chia sẻ: “Trong khi 20 năm trước, thế hệ bố mẹ chọn vàng là nơi đầu tư sinh lời và an toàn thì nay, những người con của họ quan tâm hơn đến Bitcoin và coi đồng tiền ảo này như một phần trong danh mục đầu tư”.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới, mua vàng vừa là một khoản đầu tư vừa là một thói quen văn hóa ở Ấn Độ và được người theo đạo Hindu và đạo Jain coi là điềm lành, đóng một vai trò thiết yếu trong nhiều nghi lễ tôn giáo.
Đáng chú ý, CoinDCX có trụ sở tại Mumbai đã trở thành “kỳ lân” tiền điện tử đầu tiên của Ấn Độ vào năm ngoái với mức định giá là 1,1 tỷ USD sau khi huy động tiền từ các nhà đầu tư như Coinbase Ventures và B Capital Group. Công ty cho biết, 70% trong số 10 triệu người dùng của họ ở độ tuổi từ 18 đến 34.
Bên cạnh đó, WazirX - công ty được mua lại bởi Binance vào năm 2019 - một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới gọi năm 2021 là một năm phi thường đối với thị trường tiền kỹ thuật số ở Ấn Độ.
Theo một báo cáo gần đây của công ty, hơn 65% người dùng của WazirX nằm trong độ tuổi dưới 35.
Để nhấn mạnh hơn sự quan tâm ngày càng gia tăng của thế hệ trẻ tại Ấn Độ đối với Bitcoin, Pritish Kumawat - một nhà giao dịch tiền điện tử đến từ một thị trấn nhỏ ở bang Rajasthan nhận thấy, chủ đề được bàn tán sôi nổi tại các quán trà trong khu vực mình đều xoay quanh tiền điện tử.
Xem thêm: Bitcoin có thể rơi xuống 24.000 USD
Ở một diễn biến khác, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ từ lâu đã bày tỏ lo ngại rằng, tiền điện tử có thể được sử dụng cho mục đích rửa tiền và “tài trợ” cho quân khủng bố.
Thậm chí, một đề xuất được đăng tải trên trang web của Quốc hội Ấn Độ hồi năm ngoái đã gợi ý rằng, Chính phủ nước này đang chuẩn bị cho kế hoạch cấm tất cả các loại tiền điện tử tư nhân.
Tuy nhiên, đầu năm nay, chính phủ Ấn Độ đã thông báo sẽ đánh thuế 30% đối với thu nhập từ tài sản kỹ thuật số. Động thái này khiến nhiều chuyên gia trong ngành coi là dấu hiệu cho thấy giao dịch tiền điện tử sẽ không bị cấm. Song song đó, Chính phủ cũng cho biết họ sẽ tung ra đồng rupee kỹ thuật số trong những tháng tới.
CEO kiêm Co-Founder của sàn giao dịch CoinDCX nhận định: “Đánh thuế vào tài sản kỹ thuật số là bước đi đúng đắn”.