Trong một phiên điều trần của Văn phòng đại diện Thương mại Hoa Kỳ, nhiều doanh nghiệp tại Mỹ đã lên tiếng kêu gọi chính phủ nước này không áp dụng các biện pháp thuế quan nhằm trừng phạt Việt Nam sau thông báo của Bộ Tài chính Mỹ về việc đưa Việt Nam vào danh sách các nước "thao túng tiền tệ".
Trong báo cáo đưa ra ngày 16/12 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ đã dán nhãn Việt Nam và Thuỵ Sỹ là những quốc gia thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, sẽ không có biện pháp trừng phạt hay hình thức thuế quan nào được tự động kích hoạt. Tuy nhiên, cuộc điều tra riêng của USTR theo Đạo luật thương mại 1974 có thể sẽ cho phép Mỹ đơn phương áp đặt rào cản thương mại hoặc thuế quan nhằm trả đũa nếu họ xác định rằng đối tác thương mại có hành vi ngoại thương không công bằng.
Doanh nghiệp của Mỹ lên tiếng về việc áp thuế trừng phạt đối với Việt Nam
Trong phiên điều trần với USTR, hầu hết hiệp hội và doanh nghiệp của Mỹ đều nhận định rằng việc Mỹ nhập siêu nhiều từ Việt Nam là do nhiều yếu tố khách quan mang lại mà không phải do tiền đồng của Việt Nam bị định giá thấp.
Việc Mỹ càng ngày càng nhập siêu nhiều từ Việt Nam là do hàng xuất khẩu của Mỹ đã mất rất nhiều lợi thế vè mặt thuế quan. Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) chính là lý do khiến hàng hóa xuất khẩu của Mỹ không còn những lợi thế như trước, ông Alexander Feldman, Chủ tịch kiêm CEO Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN chia sẻ.
Mỹ gần như đã trở thành kẻ ngoài cuộc trước các hiệp định thương mại tự do, trong khi thuế quan là yếu tố vô cùng quan trọng với hàng hóa xuất nhập khẩu. Đa số các nhà xuất khẩu hay nhập khẩu của Mỹ không nhìn nhận việc tỷ giá giữa đồng VNĐ và USD là vấn đề đối với các hoạt động của họ, theo nhận định của bà Virginia B. Foote, Chủ tịch Amcham.
Cũng chia sẻ tại phiên điều trần, bà Eva Hampl, Giám đốc cấp cao của Hội đồng kinh doanh quốc tế Mỹ (USCIB) cho biết rằng USCIB chưa nhận được bất kỳ ý kiến nào từ các thành viên rằng tỷ giá tiền tệ là mối lo ngại của họ. Bà Eva khẳng định rằng những phản hồi chính mà USCBI nhận được là sự lo ngại nếu Mỹ quyết định áp thuế trừng phạt lên Việt Nam. Dù cho kết quả điều tra của Bộ Tài chính và USTR là như thế nào thì áp thuế trừng phạt lên Việt Nam là hoàn toàn không thích hợp.
Áp thuế quan lên hàng xuất khẩu Việt Nam gây bất lợi cho doanh nghiệp và người dân Mỹ
Ông Matt Priest, Chủ tịch kiêm CEO của hiệp hội kinh doanh và thương mại giày dép của Mỹ (FDRA) cho rằng việc áp thuế quan đối với giày dép nhập khẩu từ Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng vì đại dịch Covid-19 sẽ gây tổn hại trực tiếp đến người dân Mỹ cũng như các doanh nghiệp của nước này.
"Chúng tôi kêu gọi hai nước cần phải làm việc cùng nhau nhằm giải quyết vấn đề này và mong rằng không có bất kỳ thuế quan bổ sung nào áp lên mặt hàng giày dép", ông Matt Priest chia sẻ.
Ông Matt Priest trả lời câu hỏi tại phiên điều trần 29/12
Ông cũng nhận định rằng nếu Mỹ có hành động áp thuế lên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam thì người hưởng lợi duy nhất sẽ là Trung Quốc. Qua trao đổi với một số giám đốc doanh nghiệp trong ngành giày dép, ông Matt Priest cho biết các doanh nghiệp này sẽ tìm cách để quay trở lại Trung Quốc nhằm phục hồi sản xuất. Các ngành sản xuất của Mỹ đặc biệt là ngành giày dép, Mỹ hầu như không có sự lựa chọn nguồn cung nào ngoài Trung Quốc và Việt Nam.
Bà Vanessa P. Sciarra, Phó chủ tịch phụ trách pháp lý và chính sách thương mại và đầu tư, Hội đồng Ngoại thương Quốc gia (NFTC) lo ngại việc áp dụng các biện pháp trừng phạt lên Việt Nam có thể sẽ khiến mối quan hệ giữa hai nước trở nên xấu đi trong ngắn hạn. Ngoài ra, đây có thể là điều kiện khiến các đòn trả đũa thuế quan xuất hiện, như vậy sẽ làm tổn hại uy tín cũng như gây bất lợi cho hàng xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam. Bà mong muốn rằng mọi việc có thể trở lại bình thường hóa.
Trong thời gian qua, các cuộc chiến thương mại đã gây rất nhiều thiệt hại cho phía Mỹ, cũng như gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và doanh nghiệp của nước này.