Các quốc gia thành viên EU đã áp đặt 10 vòng trừng phạt đối với Nga trong nỗ lực giảm doanh thu của nước này từ xuất khẩu năng lượng, nhằm đáp trả hoạt động quân sự ở Ukraine. Các biện pháp mới nhất, được hỗ trợ bởi nhóm G7 và Australia có hiệu lực từ ngày 5/2.
“Tất cả những cái gọi là lệnh trừng phạt, lệnh cấm vận, thiếu đầu tư, chúng sẽ tập hợp lại thành một thứ và một thứ duy nhất – đó là thiếu nguồn cung cấp năng lượng các loại khi chúng cần thiết nhất,” Bộ trưởng Năng lượng Abdulaziz bin Salman đã đưa ra cảnh báo như vậy hồi cuối tuần vừa rồi khi trả lời một câu hỏi về cách các biện pháp thương mại sẽ ảnh hưởng thế nào đến thị trường năng lượng.
Các biện pháp trừng phạt mới nhất áp dụng đối với Nga - nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Ả Rập Xê-út, bao gồm việc áp mức giá trần đối với các sản phẩm dầu mỏ tinh chế là 100 USD/thùng dầu diesel và 45 USD/thùng dầu mazut.
Biện pháp này được tung ra theo sau các biện pháp tương tự nhằm vào hoạt động xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga, có hiệu lực từ ngày 5/12, và lệnh cấm các công ty phương Tây cung cấp dịch vụ cho các lô hàng dầu của Nga trừ khi chúng được mua ở mức giá 60 USD/thùng hoặc dưới 60 USD/thùng.
Khi được hỏi về các bài học được rút ra từ động lực của thị trường năng lượng vào năm 2022, Hoàng tử Ả-rập Xê-út cho biết điều quan trọng nhất là phần còn lại của thế giới phải “tin tưởng OPEC+”.
“Chúng tôi là một nhóm các quốc gia có trách nhiệm… chúng tôi không tham gia vào các vấn đề chính trị”, Bộ trưởng Năng lượng Abdulaziz bin Salman nhấn mạnh.
Năm 2022, liên minh, bao gồm các thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất dầu khác, bao gồm cả Nga, đã đồng ý giảm mục tiêu sản xuất 2 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 2% nhu cầu toàn cầu. Biện pháp này có hiệu lực vào tháng 11 và sẽ có hiệu lực đến cuối năm 2023 để hỗ trợ thị trường.