Đấu giá biển số ô tô đảm bảo công khai, minh bạch; Bảo đảm tốt an ninh, trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội... là những vấn đề đáng chú ý mà Bộ Công an báo cáo và phát biểu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tuần qua.
Đấu giá biển số ô tô đảm bảo công khai, minh bạch; Bảo đảm tốt an ninh, trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội... là những vấn đề đáng chú ý mà Bộ Công an báo cáo và phát biểu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tuần qua.
Đấu giá biển số ô tô đảm bảo công khai, minh bạch
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.
Theo đó, mục đích xây dựng Nghị quyết nhằm khai thác có hiệu quả tài sản công là biển số xe, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước; đầu tư hệ thống cơ sở vật chất cho công tác đăng ký, cấp biển số; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân. Đồng thời, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật; mọi người dân đều có quyền bình đẳng trong việc lựa chọn biển số để tham gia đấu giá…
Tại dự thảo trình Quốc hội quy định, biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô dự kiến cấp mới cho xe ô tô của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (Bộ Công an sẽ đưa tất cả biển số chưa đăng ký, chuẩn bị cấp trong quý tới hoặc trong tháng tới tuỳ từng địa phương ra để người dân lựa chọn, đăng ký tham gia đấu giá).
Bộ Công an sẽ đăng công khai các biển số xe ô tô dự kiến đưa ra đấu giá trước 45 ngày tổ chức đấu giá (việc đăng tải kho số đưa ra đấu giá nhằm công khai, minh bạch, mọi người dân có thể lựa chọn biển số để tham gia đấu giá theo sở thích).
Người có nhu cầu được lựa chọn biển số của tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên toàn quốc để đăng ký tham gia đấu giá (kể cả biển số của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không phải là nơi đăng ký thường trú, đặt trụ sở của người tham gia đấu giá, nội dung này, Bộ Công an mong muốn đáp ứng được tất cả nhu cầu của người dân và khẳng định hoàn toàn đảm bảo được công tác quản lý).
Liên quan đến giá khởi điểm, tiền đặt trước, sử dụng nguồn thu từ đấu giá biển số dự thảo Nghị quyết quy định: Giá khởi điểm của 01 biển số đưa ra đấu giá: 40.000.000 đồng; về tiền đặt trước bằng giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá;…
Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết cũng quy định về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe; về đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá; sử dụng nguồn thu từ đấu giá;…
Bảo đảm tốt an ninh, trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội
Cũng tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, phát biểu tại phiên thảo luận tại Tổ 14 về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển năm 2023, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đồng tình rất cao với Báo cáo của Chính phủ, đồng thời đề nghị báo cáo cần phải thẳng thắn đánh giá rõ hơn về những tồn tại trong công tác quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội, nhất là việc đã thanh, kiểm tra nhưng vẫn còn để xảy ra nhiều vụ việc vi phạm, trở thành nhiều vụ án lớn...
Dưới góc độ là đại biểu Quốc hội thuộc lực lượng Công an nhân dân, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ báo cáo rõ thêm về những đóng góp của lực lượng Công an trong việc góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, lực lượng Công an đã nắm chắc tình hình và chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương về những biện pháp cơ bản về chiến lược bảo vệ chủ quyền quốc gia và bảo vệ lợi ích của dân tộc để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động tham mưu và đề xuất những chủ trương, giải pháp để xử lý kịp thời, hiệu quả những vấn đề cấp bách, quan trọng nhằm đảm bảo an ninh, giải quyết các vụ khiếu kiện phức tạp về đất đai, những vấn đề có liên quan đến tôn giáo, dân tộc, không để những vụ, việc, vấn đề trở thành những điểm nóng phức tạp.
Về công tác phòng, chống tội phạm, lực lượng Công an đã thực hiện vượt các chỉ tiêu của Quốc hội đặt ra. Nổi bật, trong 9 tháng đầu năm 2022, phạm pháp hình sự giảm 2,68% so với cùng kỳ năm 2021. Đã điều tra, khám phá được 26.003 vụ vi phạm pháp luật về trật tự xã hội; đạt tỷ lệ lên tới 86,03%, cao hơn chỉ tiêu của Quốc hội đề ra là 11,3%. Bộ Công an đã tập trung làm rõ và phá nhiều đường dây tội phạm về kinh tế, buôn lậu lớn, có tính lan tỏa rộng rãi trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong những lĩnh vực về sử dụng tài sản công, vốn đầu tư công, đấu thầu, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp…
“Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua và tới đây đều nhất quán với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” và xử lý một vùng để cảnh tỉnh cho nhiều vùng trên nhiều lĩnh vực. Bộ Công an cũng là một trong những thành viên tích cực trong các hoạt động phòng, chống tham nhũng” – Thượng tướng Trần Quốc Tỏ khẳng định.
Về công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự gắn với cải cách thủ tục hành chính, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ cho biết, lực lượng Công an nhân dân đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn, giảm chi phí và tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp và người dân.
Theo đó, đã đẩy mạnh về xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, xây dựng về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đặc biệt đã quyết liệt xây dựng hiệu quả về Đề án 06 của Chính phủ trong tất cả các lĩnh vực để góp phần quản trị xã hội. Bộ Công an đã hoàn thành 9 phần, 11 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, chính thức kết nối với 12 bộ, ngành và 14 địa phương, 4 doanh nghiệp Nhà nước lớn trong việc triển khai.
Bên cạnh đó, đã triển khai đồng bộ các giải pháp về đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy…, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội.