Với những diễn biến lên xuống chóng mặt kể từ khi ra đời đến nay, hiện vẫn còn nhiều người hoài nghi về Bitcoin tuy ngày càng có thêm nhiều tập đoàn chấp nhận thanh toán bằng đồng Bitcoin như Tesla hay PayPal. Vậy, trong tương lai Bitcoin liệu có thể trở thành phương tiện thanh toán hiệu quả?
Lý do Bitcoin không thể trở thành phương tiện thanh toán hiệu quả
Tờ Business Insider cho biết, mức giá dao động lớn của đồng tiền số Bitcoin cũng như nguồn cung có hạn của đồng tiền này là hai lý do chính khiến đồng Bitcoin không thể trở thành phương tiện thanh toán hiệu quả.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen là một trong số những người chỉ trích đồng tiền này. Ngày 22/2 vừa qua, bà Yellen hoài nghi khả năng đồng Bitcoin sẽ được dùng để giao dịch. Bà nói: “Tôi cho rằng Bitcoin sẽ không được sử dụng làm cơ chế giao dịch rộng rãi. Đó được cho là cách thực hiện giao dịch cực kỳ không hiệu quả và lượng điện tiêu thụ trong các giao dịch này rất lớn”.
Đồng Bitcoin bắt đầu xuất hiện vào năm 2009, hấp dẫn bởi tính bảo mật, ẩn danh và phi tập trung hóa. Với một số người thì việc sử dụng đồng Bitcoin để thanh toán sẽ còn rất lâu mới thành hiện thực nhưng khả năng này vẫn tiềm tàng.
Theo Báo Tin tức, ông Adam Liposky cho biết: “Mặc dù Bitcoin có thể được dùng làm phương pháp thanh toán chính thống một ngày nào đó, nhưng hiện nay đồng tiền này Bitcoin chủ yếu là nơi lưu giữ giá trị và đầu tư chống lạm phát”.
Tuy nhiên, những người khác lại cho rằng đồng tiền Bitcoin không phải là tiền tệ và sẽ không thể trở thành phương tiện thanh toán được.
Ông William Quigley, Giám đốc điều hành công ty Magnetic, nói: “Ai cũng nghĩ để Bitcoin phát triển thì nó phải trở thành hình thức thanh toán rộng rãi. Điều này không đúng. Bitcoin sẽ không bao giờ là thứ thay thế tiền trên thị trường tiêu dùng nói chung. Bitcoin quá đắt, chậm và bất ổn… Chúng ta cần bỏ suy nghĩ rằng đồng Bitcoin sẽ trở thành mạng lưới thanh toán tiêu dùng toàn cầu”.
Tương tự, ông Robert Minter, Giám đốc Chiến lược Đầu tư tại công ty Aberdeen Standard Investments, phân tích: “Nếu bạn mua một ô tô Tesla 50.000 USDS bằng 4 đồng Bitcoin vào ngày 1/10/2020. Chi phí cơ hội của việc mua xe ô tô sẽ là 212.000 USD bởi giá trị tính theo USD của đồng Bitcoin đã tăng từ 10.000 lên mức 53.000 USDS trong vòng 4 tháng rưỡi qua. Kiểu biến động này không hợp để giao dịch trong nền kinh tế”.
Các chuyên gia cho rằng, đồng tiền ảo Bitcoin sẽ chỉ phát triển để trở thành vàng kỹ thuật số, tức là chỉ có chức năng giữ giá.
Đồng Bitcoin tiềm ẩn rủi ro cao
Từ hồi 2013, Cơ quan thực thi phòng chống tội phạm tài chính (FinCEN) của Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành hướng dẫn về đồng Bitcoin. Theo đó, họ xác định đồng Bitcoin không phải là tiền tệ và đang chịu sự chi phối của Đạo luật Bảo mật ngân hàng, yêu cầu các xử lý trao đổi và thanh toán phải tuân thủ một số trách nhiệm nhất định như đăng ký, báo cáo và lưu trữ hồ sơ. Ngoài ra, cơ quan này cũng ra quy định về việc đánh thuế các giao dịch bằng đồng tiền ảo Bitcoin, qua đó tăng thu cho ngân sách.
Tương tự, giới chức Canada cũng duy trì lập trường trung lập với Bitcoin, đồng thời gia tăng các biện pháp an ninh nhằm bảo đảm tội phạm rửa tiền không lợi dụng các loại tiền điện tử. Đồng tiền ảo Bitcoin được Cơ quan Doanh thu Canada (CRA) xem là một loại hàng hóa. Ngoài ra, Venezuela được xem là quốc gia đầu tiên phát hành đồng tiền điện tử quốc doanh mang tên Petrocoin.
Đến nay, Liên hiệp châu Âu (EU) vẫn không đưa ra bất kỳ quyết định chính thức nào về tính hợp pháp, phản đối hay chấp nhận tiền điện tử, song các quốc gia EU riêng lẻ đều đã đưa ra những quy định riêng nhằm kiểm soát cũng như tận dụng nguồn thu từ loại hình này cho ngân sách.
Chẳng hạn, Hội đồng thuế trung ương của Phần Lan đã phân loại đồng Bitcoin là một dịch vụ tài chính và coi như một loại hàng hóa. Trong khi đó, Cơ quan Quản lý tài chính (FCA) tại Anh đề xuất lập trường ủng hộ Bitcoin và muốn môi trường pháp lý hỗ trợ loại tiền kỹ thuật số này. Đức là một trong những nước đầu tiên mở cửa cho đồng Bitcoin, nó được coi là hợp pháp song chủ sở hữu sẽ bị đánh thuế theo các cấp độ sở hữu khác nhau khi giao dịch.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều quốc gia chưa chấp nhận đồng Bitcoin hoặc đang phân tích cách thức để điều tiết tiền kỹ thuật số này nhằm tránh thao túng tiền tệ trên không gian mạng. Bởi vậy, đồng Bitcoin được xem là nằm trong “vùng xám” trên thế giới.
Hiện nay, ngoài đồng tiền ảo Bitcoin ra thì trên thị trường cũng đã có thêm hàng chục loại tiền điện tử mới ra đời cùng với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có khả năng tài chính hoặc kỹ thuật lớn đứng đằng sau hỗ trợ và phát triển như Litecoin, Ethereum…
Các loại tiền mã hóa có lợi thế là dễ trao đổi trên phạm vi quốc tế, nhưng tiền mã hóa cũng đối mặt với những thách thức rất nghiêm trọng. Mặc dù lưu trữ tiền tệ kỹ thuật số khó bị mất mát hoặc trộm cắp vật chất, nhưng chúng có thể trở thành con mồi của các vụ trộm và tiến công online.
Các chuyên gia cũng lo ngại tiền kỹ thuật số bị các nhóm tội phạm dùng để rửa tiền, chuyển đổi các khoản tiền thu được thông qua những hoạt động bất hợp pháp thành tiền “sạch”.
Có thể nói, việc đầu tư Bitcoin được ví như “con dao hai lưỡi”, có thể sinh lời cho nhà đầu tư song cũng nhiều ý kiến hoài nghi “bong bóng” Bitcoin có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư.