Theo Bộ Tài chính, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) tháng 8 ước đạt 78,6 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu NSNN 8 tháng đầu năm ước đạt 1.004,2 nghìn tỷ đồng, bằng 74,8% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Bộ Tài chính, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) tháng 8 ước đạt 78,6 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu NSNN 8 tháng đầu năm ước đạt 1.004,2 nghìn tỷ đồng, bằng 74,8% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Về nguồn thu nội địa, số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, ước đạt 63,2 nghìn tỷ đồng, giảm 14,2 nghìn tỷ đồng so với tháng 7 (không kể thuế thu nhập doanh nghiệp nộp theo quý). Lũy kế thu 8 tháng đạt 820,4 nghìn tỷ đồng, bằng 72,4% dự toán, tăng 12% so cùng kỳ năm 2020.
“Do ảnh hưởng của đợt dịch tái bùng phát từ tháng 4, diễn biến thu nội địa giảm dần qua các tháng: tháng 4 thu được 115,6 nghìn tỷ đồng; tháng 5 thu được 85 nghìn tỷ đồng; tháng 6 thu được 80,5 nghìn tỷ đồng; tháng 7 thu được 114,4 nghìn tỷ đồng, nếu không kể 37 nghìn tỷ đồng tăng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp kê khai và nộp theo quý, thì chỉ thu được 77,4 nghìn tỷ đồng; tháng 8 thu được 63,2 nghìn tỷ đồng”, số liệu của Bộ Tài chính cho thấy.
Riêng với nguồn thu từ dầu thô, ước đạt 3,3 nghìn tỷ đồng giảm 224 tỷ đồng so tháng 7. Lũy kế thu 8 tháng đạt 25,7 nghìn tỷ đồng, bằng 111% dự toán, tăng 0,9% so cùng kỳ.
Theo Bộ Tài chính, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 24 nghìn tỷ đồng, giảm 11 nghìn tỷ đồng so tháng 7, giảm 9 nghìn tỷ đồng so bình quân 7 tháng đầu năm. Lũy kế thu 8 tháng đạt 157,5 nghìn tỷ đồng, bằng 88,2% dự toán, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Ở chiều ngược lại, tổng chi NSNN tháng 8 ước đạt 115,5 nghìn tỷ đồng. Lũy kế chi 8 tháng ước đạt 918,1 nghìn tỷ đồng, bằng 54,4% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 187,3 nghìn tỷ đồng, bằng 39,2% dự toán Quốc hội quyết định; chi trả nợ lãi đạt xấp xỉ 72 nghìn tỷ đồng, bằng 65,4% dự toán; chi thường xuyên đạt 652,7 nghìn tỷ đồng, bằng 63% dự toán.
Các nhiệm vụ chi ngân sách trong 8 tháng đầu năm được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách. Cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã ưu tiên bố trí chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tính đến hết tháng 8, NSNN đã chi 18,8 nghìn tỷ đồng cho phòng chống dịch (17,2 nghìn tỷ đồng) và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (1,6 nghìn tỷ đồng).
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển 8 tháng đầu năm vẫn chậm, mới đạt 40,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2020 đạt 46,41%), trong đó vốn ngoài nước chỉ đạt 7,94% kế hoạch; có 03 Bộ, cơ quan trung ương và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 40% kế hoạch, 27 Bộ, cơ quan trung ương và 18 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30% kế hoạch, trong đó vẫn còn 04 cơ quan chưa giải ngân kế hoạch vốn được giao năm 2021.
Bộ Tài chính cho biết, do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách, nên về tổng thể cân đối NSNN 8 tháng có thặng dư; tuy nhiên, cân đối ngân sách trung ương có bội chi, ngân sách địa phương có thặng dư lớn. Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường, cơ cấu lại nợ công.
Lũy kế đến ngày 27/8/2021 đã thực hiện phát hành được 199,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 12,96 năm, lãi suất bình quân 2,26%/năm.