Cung – cầu lệch pha; lãi suất dần tăng lên; room tín dụng bị thắt chặt hơn đối với nhóm bất động sản và ảnh hưởng từ việc phát hành trái phiếu…sẽ tạo ra áp lực với thị trường bất động sản những tháng cuối năm.
Cung – cầu lệch pha; lãi suất dần tăng lên; room tín dụng bị thắt chặt hơn đối với nhóm bất động sản và ảnh hưởng từ việc phát hành trái phiếu…sẽ tạo ra áp lực với thị trường bất động sản những tháng cuối năm.
Sau hơn 2 năm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, từ cuối năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, thị trường bất động sản đã thích ứng và từng bước phục hồi trở lại nhưng cũng chỉ bằng 44% so với cùng kỳ năm 2017.
Thời gian qua, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng cùng làn sóng dịch chuyển lên các thành phố lớn đang tạo ra sức ép về nhà ở lên các đô thị, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung mới tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đang ở mức thấp trong hai năm qua.
Thống kê của một công ty chuyên tư vấn, nghiên cứu về thị trường bất động sản cho thấy, hiện nay nguồn cung bất động sản nhà ở tại Hà Nội đang ở mức rất thấp. Nếu như năm 2018, số lượng căn hộ mới tung ra thị đạt mức trên 30.000 căn và lên đến gần 40.000 vào năm 2019 thì đến năm 2020, con số này giảm đáng kể, ở quanh mức 20.000 căn. Năm 2021, cũng ghi nhận lượng nguồn cung sơ cấp ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm.
Đến quý I/2022, không có dự án mới được đưa ra thị trường mà toàn bộ nguồn cung sơ cấp đến từ giai đoạn tiếp theo của 6 dự án đã công bố. Điều này tương ứng với mức giảm -17% so với năm ngoái; trong đó, phân khúc nhà ở giá rẻ cũng đang thiếu nguồn cung mới; các căn hộ có giá dưới 20 triệu đồng/m2 tại các dự án hiện có đã được hấp thụ hết.
Tình trạng lệch pha cung – cầu trên đang làm giấy lên lo ngại tạo nên sức ép đè nén thị trường bất động sản những tháng cuối năm, đẩy giá tăng cao. Tuy nhiên, theo báo cáo của Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC), hiện nay,ngoài sức ép về chênh lệch cung – cầu, thị trường bất động sản đang chịu một loạt áp lực khác của việc lãi suất dần tăng lên; room tín dụng bị thắt chặt hơn đối với nhóm bất động sản và ảnh hưởng từ việc phát hành trái phiếu. Do đó, đơn vị này hạ mức đánh giá về phân khúc bất động sản thương mại từ mức khả quan xuống trung cấp.
Lý giải cho nhận định trên, BSC đưa ra dẫn chứng cho biết, thời gian qua, phân khúc cao cấp tiếp tục thống lĩnh cả thị trường TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội trong bối cảnh nguồn cung vẫn còn hạn chế được dẫn dắt bởi một vài dự án lớn.
Theo báo cáo, nguồn cung toàn thị trường bất động sản của Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trong quý II/2022 ghi nhận mức tăng trưởng mạnh đạt lần lượt là 4.675 sản phẩm (+32% YoY) và 14.644 sản phẩm (x2.68 lần), tuy nhiên các sản phẩm đều tập trung chính tại một vài dự án lớn Vinhomes Grand Park (chiếm đến 88% nguồn cung tại thị trường HCM).
Đáng chú ý, phân khúc cao cấp tiếp tục dẫn dắt thị trường Hà Nội và TP.HCM, khiến giá bán bình quân tiếp tục nhích tăng đạt lần lượt 1,872 USD/m2 (+13.2% QoQ) và 2,455 USD/m2 (+2.7% QoQ). Tỷ lệ hấp thụ dự án đạt bình quân quanh mức 70-80%.
Theo dự báo, số lượng căn hộ mở bán nửa cuối năm 2022 vẫn còn rất thấp so với nhu cầu chung, đặc biệt phân khúc trung cấp. Tuy nhiên, theo CBRE, nguồn cung mới thị trường TP.HCM và Hà Nội sẽ có cải thiện đáng kể lần lượt đạt 22.000 căn hộ (HCM, +46% YoY) và 20.000 căn hộ (HN, +25% YoY).
Lũy kế đến hết quý II/2022, số lượng nguồn cung mới dự kiến mở bán nửa cuối năm 2022 tại hai thị trường TP.HCM và Hà Nội lần lượt là 6.478 căn và 11.800 căn; trong đó phân khúc cao cấp và phân khúc hạng sang tiếp tục dẫn dắt, điều này dẫn đến sự lệch pha giữa nhu cầu thực tế (phân khúc trung cấp) so với phân khúc các chủ đầu tư giới thiệu trong vài năm trở lại đây (phân khúc cao cấp và hạng sang).
“Do các yếu tố “cơn gió ngược chiều”, bao gồm: môi trường lãi suất dần tăng lên; room tín dụng bị thắt chặt hơn đối với nhóm bất động sản có thể ảnh hưởng đến sức mua của thị trường và ảnh hưởng từ việc phát hành trái phiếu có thể tạo ra áp lực về dòng tiền doanh nghiệp và gây ảnh hưởng đến thị trường bất động sản”, BSC nhận định.