Trong tuần này, giá vàng tăng đã mở ra cơ hội vượt qua ngưỡng kháng cự 1.750 USD/oz, thậm chí giá vàng trong tuần tới có thể đạt mốc 1.800 US/oz.
Trong tuần này, giá vàng tăng đã mở ra cơ hội vượt qua ngưỡng kháng cự 1.750 USD/oz, thậm chí giá vàng trong tuần tới có thể đạt mốc 1.800 US/oz.
Trong phiên ngày thứ Sáu, tại thị trường New York, giá vàng giao ngay giảm 11,6 USD/oz, tương đương giảm gần 0,7% chỉ còn 1.745,2 USD/oz. Tuy nhiên, trong tuần này, giá vàng tăng khoảng 1% được xem là một sự khởi đầu tích cực cho quý 2/2021 sau khi giá vàng giảm khoảng 10% trong quý 1/2021.
Theo nhà phân tích Edward Moya của Oanda, phát biểu mà các quan chức Fed đưa ra trong tuần này cho thấy, Fed duy trì quan điểm cho rằng sự gia tăng của áp lực lạm phát ở nước Mỹ hiện nay chỉ là tạm thời và phải đợi cho tới năm sau mới có thể biết lạm phát mạnh đến đâu. Cũng theo ông Moya, thị trường đã hiểu rõ lập trường này của Fed và điều đó sẽ ghìm đà tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm.
Lợi suất này chốt tuần ở vùng 1,66%, đã giảm nhiều so với mức đỉnh của 14 tháng là trên 1,77% thiết lập vào cuối tháng 3/2021. Lợi suất leo thang là nhân tố chính khiến giá vàng lao dốc trong quý 1/2021.
Sau chỉ số PPI tháng 3/2021 của nước Mỹ được công bố trong tuần này, tâm điểm chú ý tuần tới của nhà đầu tư sẽ là chỉ số CPI của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo Giám đốc Sean Lusk của Walsh Trading, biểu đồ kỹ thuật cho thấy, giá vàng đang ở trong một mô hình hai đáy.
"Mức đáy vào ngày 31/3 và ngày 8/3 tạo thành một mô hình 2 đáy kinh điển. Mức giá 1.759 USD/oz là một ngưỡng kháng cự mà nếu vượt qua được thì giá vàng có thể tăng lên mốc 1.800 USD/oz", ông Lusk nói.
Chiến lược gia Phillip Streible của Blue Line Futures kém lạc quan hơn cho rằng, giá vàng khó khởi sắc trong môi trường hiện nay khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu đẩy nhanh.
"Khi lạm phát và kinh tế tăng trưởng yếu thì mới mở ra cơ hội cho vàng tăng giá. Nhưng chúng ta hiện không ở trong một môi trường như vậy", ông Streible phát biểu.
Trong tuần này, giá vàng bán lẻ ở Ấn Độ cao hơn 3 USD/oz so với giá chính thức. Giá vàng chính thức ở Ấn Độ tính bằng giá vàng quốc tế cộng thuế nhập khẩu là 10,75% và thuế tiêu thụ 3%. Vào tuần trước, mức chênh vàng là 4 USD/oz.
Tại Singapore, giá bán lẻ vàng tuần này cao hơn 1,5-2 USD/oz so với giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế, từ chỗ chênh cao hơn 1-2 USD/oz trong tuần trước. Tại Trung Quốc đại lục, giá vàng bán lẻ cao hơn giá quốc tế 7-10 USD/oz trong tuần này. Tại Hồng Kông, mức chênh là 0,5-1,8 USD/oz. Tại Nhật Bản, mức chênh là 0,5-1 USD/oz.
Theo kết quả khảo sát diễn biến giá vàng tuần tới, xu hướng tăng giá được ủng hộ mạnh. Cụ thể, có tới 60% chuyên gia nhận định vàng sẽ tăng giá vào tuần tới, 20% nhận định giá vàng giảm, 20% giữ quan điểm trung lập.
Còn đối với kết quả khảo sát trực tuyến trên thị trường, cũng có tỷ lệ cao là 65% nhà đầu tư dự báo giá vàng tăng, 20% dự báo giá vàng giảm, 16% cho rằng giá vàng đi ngang.
Ở thị trường trong nước, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 54,8 triệu VNĐ/lượng ở chiều mua vào và 55,27 triệu VNĐ/lượng ở chiều bán ra.
Vàng Doji niêm yết giá vàng ở mức 54,8 triệu VNĐ/lượng ở chiều mua vào và 55,25 triệu VNĐ/lượng ở chiều bán ra.
Phú Quý SJC niêm yết giá vàng ở mức 54,9 triệu VNĐ/lượng ở chiều mua vào và 55,2 triệu VNĐ/lượng ở chiều bán ra.