Trước việc lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vọt lên 1,55%, gần mức cao nhất trong năm ngoái thì Phố Wall đã xảy ra tình trạng bán tháo cổ phiếu, thị trường chứng khoán “đỏ lửa” sau những lời phát biểu của Chủ tịch Fed.
Trước việc lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vọt lên 1,55%, gần mức cao nhất trong năm ngoái thì Phố Wall đã xảy ra tình trạng bán tháo cổ phiếu, thị trường chứng khoán “đỏ lửa” sau những lời phát biểu của Chủ tịch Fed.
Nhờ việc triển khai vắc xin ngừa Covid-19 và chính sách kích cầu của Chính phủ Mỹ, ‘có lý do tốt để tin rằng chúng ta sẽ sớm đạt thêm bước tiến’ tới mục tiêu tạo công ăn việc làm tối đa trong nền kinh tế và mức lạm phát 2% bền vững, theo Reuters dẫn lời ông Chủ tịch Fed tại một diễn đàn do tờ Wall Street Journal tổ chức.
"Cho dù mục tiêu đó có đạt được đi chăng nữa thì cũng phải mất nhiều thời gian… Chúng tôi muốn thị trường việc làm phải nhất quán với đánh giá của chúng tôi về việc làm tối đa. Điều đó có nghĩa rằng tất cả mọi tiêu chí đều phải được đáp ứng", Chủ tịch Fed cho hay.
Phát biểu này của ông được hiểu là không chỉ trong nền kinh tế cần tạo việc làm đầy đủ mà còn cần phải đạt được tiền lương và cơ hội việc làm tốt hơn cho các cộng đồng thiểu số, các đối tượng thường bị đứng ngoài lề khi nền kinh tế hồi phục.
"Tôi muốn làm rõ về việc này", ông Powell cho biết khi nhấn mạnh lời hứa của Fed về việc giữ nguyên lãi suất cơ bản đồng bạc xanh ở mức gần 0 và duy trì hoạt động mua trái phiếu hàng tháng.
Cho dù giá cả trong những tháng tới tăng lên như kỳ vọng, Chủ tịch Fed cho biết ông sẽ kiên nhẫn và không thay đổi chính sách tiền tệ cần thiết nhằm duy trì sự hỗ trợ cho tới khi nền kinh tế đi được một quãng đường rất dài tới hồi phục.
Bài phát biểu này của vị Thống đốc NHTƯ quyền lực nhất thế giới bác bỏ mối lo gần đây của giới đầu tư toàn cầu về đà leo thang của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Giới đầu tư lo ngại về việc lợi suất tăng là dấu hiệu của lạm phát sắp bước vào một chu kỳ leo thang và buộc Fed phải tính đến chuyện nâng lãi suất sớm hơn dự kiến. Với mối lo như vậy, điều mà thị trường kỳ vọng ở ông Powell trong bài phát biểu hôm 4/3 là ông sẽ đưa ra một tín hiệu nào đó rằng Fed sẽ cân nhắc việc có biện pháp can thiệp để hạ nhiệt lợi suất.
Tuy nhiên, ông Powell không đưa ra một tín hiệu nào như vậy và đây là điều khiến giới đầu tư thất vọng.
Chủ tịch Fed cho rằng đà tăng của lợi suất là đáng kể và khiến ông chú ý, song ông không coi đây là một diễn biến gây xáo trộn hay một diễn biến đẩy lãi suất dài hạn lên cao tới mức Fed có thể cần phải can thiệp mạnh vào thị trường chứng khoán nhằm kéo lợi suất xuống.
"Lập trường chính sách hiện tại của chúng tôi là phù hợp", Chủ tịch Fed nhấn mạnh.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng thêm 5 điểm cơ bản trong lúc Chủ tịch Fed phát biểu. TTCK Mỹ đồng loạt giảm mạnh.
TTCK tự đặt ra kịch bản của chính mình rằng Fed sẽ hành động để kiềm chế lợi suất trái phiếu. Nhưng ông ấy không đưa ra những phát biểu mạnh mẽ như kỳ vọng của thị trường, nhà phân tích Kim Rupert thuộc Action Economics phát biểu.
Chủ tịch Fed cho biết, họ không muốn chứng kiến sự thắt chặt kéo dài các điều kiện tài chính. Đó thực sự là một bài kiểm tra và hiện tại bối cảnh các điều kiện tài chính vẫn duy trì lành mạnh.
Kinh tế của Mỹ gần đây phát đi nhiều tín hiệu tích cực. Khoảng 50 triệu người dân nước Mỹ đã đượt tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin ngừa Covid-19 và tốc độ triển khai vắc xin Covid-19 tiếp tục được đẩy nhanh được dự báo sẽ sớm mở đường cho kinh tế phục hồi. Cộng thêm gói kích cầu 1.900 tỷ USD mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất, giới phân tích dự báo kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng kỷ lục trong năm 2021 này.
Nhà đầu tư tiếp tục theo dõi cổ phiếu công nghệ tại châu Á sau khi chỉ số Nasdaq giảm hơn 2%, mất hết phần tăng thêm từ đầu năm nay.
MSCI châu Á - Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản giảm tới 1,47%.Thị trường Trung Quốc giảm từ đầu phiên với chỉ số Shanghai Composite mất tới 0,57%, còn Shenzhen Component cũng giảm 0,844%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm tới 1,63%.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thông báo nền kinh tế số hai thế giới đặt mục tiêu tăng trưởng 6% cho năm 2021.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 đã giảm 1,74% trong khi chỉ số Topix giảm 0,96%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 1,55%. Chỉ số ASX 200 của sàn Australia giảm 1,24%.
Nối gót Phố Wall, cổ phiếu công nghệ tại châu Á bị bán tháo tương tự. Tại sàn Hong Kong, cổ phiếu Tencent giảm 1,88%, cổ phiếu Xiaomi giảm 3,74%, cổ phiếu Meituan giảm 2,59%, còn cổ phiếu Alibaba giảm 1,67%. Cổ phiếu SoftBank của Nhật Bản cũng đồng loạt giảm tới 2,86%. Cổ phiếu SK Hynix của Hàn Quốc cũng mất 2,82%.
Chốt phiên giao dịch hôm 4/3, Phố Wall ngập tràn sắc đỏ trong đó chỉ số Nasdaq mất tới 2,11%, xóa sạch phần tăng thêm từ đầu năm nay.