Các binh sĩ và cảnh sát Myanmar theo phe Quân đội đang bị cáo buộc là có hành vi sử dụng TikTok để đe dọa người biểu tình phản đối cuộc đảo chính của quân đội nước này. Mới đây, mạng xã hội này đã phải tuyên bố gỡ bỏ các nội dung kích động bạo lực.
Các binh sĩ và cảnh sát Myanmar theo phe Quân đội đang bị cáo buộc là có hành vi sử dụng TikTok để đe dọa người biểu tình phản đối cuộc đảo chính của quân đội nước này. Mới đây, mạng xã hội này đã phải tuyên bố gỡ bỏ các nội dung kích động bạo lực.
Nhóm quyền kỹ thuật số tại Myanmar ICT for Development (MIDO) cho biết, trong 4/3, họ đã tìm thấy hơn 800 video chứa nội dung ủng hộ quân đội và đe dọa người biểu tình trong bối cảnh bạo lực tại nước này ngày càng gia tăng, với ít nhất 54 người đã thiệt mạng từ các cuộc biểu tình sau đảo chính, theo Liên Hợp Quốc.
"Đó chỉ là phần nổi của tảng băng trôi", giám đốc điều hành MIDO Htaike Htaike Aung cho biết.
Trong một đoạn video được đăng tải trên TikTok từ cuối tháng 2, một người đàn ông mặc quân phục đang chĩa súng trường tấn công về phía camera, hằn học nói với người biểu tình: "Tao sẽ bắn vào mặt chúng mày, tao sẽ dùng đạn thật. Tao sẽ tuần tra toàn thành phố trong buổi tối hôm nay và sẽ bắn bất cứ ai mà tao gặp. Nếu chúng mày muốn trở thành người tử vì đạo, tao sẽ thành toàn cho chúng mày".
Hãng tin Reuters cho biết, hàng chục video trong đó có cảnh các binh sĩ mặc đồng phục, đôi khi mang súng, đe dọa những người biểu tình Myanmar vốn đang kêu gọi để phản đối cuộc đảo chính và yêu cầu thả Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi. Một số video đã có hàng chục nghìn lượt xem. Một số sử dụng các hashtag có liên quan tới các nhân vật nổi tiếng tại Mỹ.
Phát ngôn viên của quân đội Myanmar vẫn chưa có phản hồi về thông tin trên.
TikTok là mạng xã hội mới nhất gặp phải những sức ép từ thế giới, yêu cầu phải kiểm soát các nội dung kích động bạo lực hoặc chứa ngôn từ thù hận tại Myanmar.
Trước đó, gã khổng lồ Facebook đã tuyên bố sẽ cấm toàn bộ các trang liên quan tới quân đội Myanmar. Chính Facebook hiện cũng đang bị chặn truy cập và cấm sử dụng tại quốc gia Đông Nam Á này.