Bộ Công thương chủ trương siết chặt quản lý hàng hóa tạm nhập tái xuất và hàng hóa chuyển khẩu tạm nhập tái xuất vào Việt Nam không qua cửa khẩu chính hoặc cửa khẩu quốc tế.
Bộ Công thương chủ trương siết chặt quản lý hàng hóa tạm nhập tái xuất và hàng hóa chuyển khẩu tạm nhập tái xuất vào Việt Nam không qua cửa khẩu chính hoặc cửa khẩu quốc tế.
Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương vừa gửi tới Sở Công Thương của 25 tỉnh, thành phố biên giới, và các doanh nghiệp liên quan văn bản yêu cầu thực hiện nghiêm Thông tư số 09/2020/TT-BCT về lộ trình áp dụng cửa khẩu nhập khẩu, xuất khẩu đối với hàng hóa kinh doanh thuộc loại tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu hoặc gửi kho ngoại quan.
Thông tư số 09 được ban hành vào tháng 5-2020, có hiệu lực thi hành từ 1-1-2021 quy định, hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất hoặc kinh doanh chuyển khẩu, chỉ được nhập khẩu hoặc tải xuất qua các cửa khẩu quốc tế hoặc cửa khẩu chính nếu muốn nhập khẩu hoặc tái xuất ra khỏi Việt Nam qua biên giới đất liền.
Quy định này cũng áp dụng cho hàng hóa nước ngoài muốn tạm nhập tái xuất gửi kho ngoại quan trong trường hợp hàng hóa đó có đi qua biên giới đất liền của Việt Nam.
Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Quốc Toản, hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu hay hoạt động tạm nhập tái xuất có gửi kho ngoại quan là hoạt động kinh doanh thông dụng trên toàn thế giới. Ở Việt Nam cũng cho phép áp dụng cả cửa khẩu chính cũng như cửa khẩu phụ và lối đã mở hoặc chưa mở với các nước có chung đường biên giới.
Tuy quy định như vậy sẽ làm các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc xuất/nhập hàng hóa nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ gian lận khiến hàng lậu thẩm thấu vào thị trường nội địa, gia tăng chi phí quản lý. Ngoài ra có thể phát sinh những tình huống đối ngoại phức tạp với các nước láng giềng. Từ đó suy giảm hiệu quả của các biện pháp khuyến khích trao đổi chính ngạch mà Nhà nước áp dụng.
Thời gian gần đây các nước có chung đường biên giới siết chặt việc quản lý cửa khẩu khiến cho hàng hóa tạm nhập gặp nhiều khó khăn khi tái xuất. Nhiều hàng hóa bị lưu giữ quá thời hạn tại Việt Nam do không tái xuất được hoặc tái xuất chậm. Điều này gây phát sinh thêm các chi phí lưu kho bãi hoặc chi phí tiêu hủy hàng vì không tái xuất được làm tăng tổn thất cho doanh nghiệp.
Trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Quảng Ninh, nhằm giảm thiểu các rủi ro nói trên, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các văn bản quy định về việc ngừng cho phép hàng hóa ra hoặc vào Việt Nam qua các điểm thông quan không phải là các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính dưới hình thức hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất hoặc chuyển khẩu được tạm nhập vào hoặc tái xuất ra.
Quy định này được áp dụng trên toàn tuyến biên giới đường bộ của Việt Nam sau một thời gian chuyển đổi phù hợp cho tất cả mặt hàng.
“Để giảm thiểu tối đa thiệt hại cho các doanh nghiệp đang kinh doanh, Bộ Công Thương đã quy định lộ trình thực hiện từ ngày 1-1-2021 để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị và có kế hoạch kinh doanh phù hợp với quy định về cửa khẩu kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu nêu trên” – ông Toản cho biết.