Tổng thống Biden rà soát lại thỏa thuận thương mại với Trung Quốc 

Thứ bảy, 30/01/2021 | 08:37 Theo dõi CFĐT trên
Tổng thống Mỹ Joe Biden coi thỏa thuận thương mại Mỹ -Trung được ký hồi tháng 1/2020 là một
Tổng thống Mỹ Joe Biden coi thỏa thuận thương mại Mỹ -Trung được ký hồi tháng 1/2020 là một "thất bại thảm thại"

"Mọi thứ mà chính quyền tiền nhiệm đưa ra đều đang được xem xét. Vì chúng có liên quan đến cách tiếp cận an ninh của chúng tôi. Do đó, tôi không cho rằng mọi thứ hiện đang được thúc đẩy", thư ký báo chí Nhà Trắng,  bà Jen Psaki nói trong cuộc họp báo ngày 29/1, sau khi được hỏi về tính hiệu lực của thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung đã ký từ tháng 1/2020.

Bà Psaki cho biết, chính quyền Biden tập trung vào tiếp cận quan hệ Mỹ - Trung "trên vị thế sức mạnh". "Điều này có nghĩa là phối hợp và trao đổi với các đồng minh cùng đối tác của chúng tôi về cách chúng tôi sẽ làm việc với Trung Quốc", Psaki cho biết.

Ngày 15/1, Mỹ và Trung Quốc đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một, từ đó cùng nhau "sửa chữa sai lầm quá khứ" sau gần hai năm nổ ra cuộc thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo thỏa thuận đã ký, Trung Quốc đồng ý sẽ mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ trong hai năm tới, cũng như đảm bảo vấn đề quyền sở hữu trí tuệ cho công nghệ Mỹ. Đổi lại, Mỹ sẽ giảm một nửa mức thuế 15% đối với 120 tỷ USD hàng tiêu dùng nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có bao gồm  hàng may mặc.

Hồi tháng 8/2020, Tổng thống Biden nói rằng thỏa thuận này là "thất bại thảm hại" vì không thể thực thi, "đầy những cam kết mơ hồ, yếu kém và lặp đi lặp lại" từ phía Trung Quốc, và thỏa thuận này đang cho phép Trung Quốc "tiếp tục cung cấp các khoản trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước của họ và ăn cắp các ý tưởng của doanh nghiệp Mỹ".

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã bùng nổ nổ từ năm 2018 với những đòn thuế "ăn miếng trả miếng", khiến hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đều chịu tổn hại, từ đó đe dọa đến tăng trưởng thương mại toàn cầu. Xung đột bùng phát từ lúc Mỹ cáo buộc các hoạt động thương mại của Trung Quốc không công bằng khi cố ý ưu ái doanh nghiệp trong nước, chèn ép và buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ từ đó đánh cắp tài sản trí tuệ và thao túng tiền tệ.

Kim Chi
Cafe Khởi nghiệp