Trước cáo buộc của Mỹ, Việt Nam khẳng định không chủ đích thao túng tiền tệ

Chủ nhật, 20/12/2020 | 16:52 Theo dõi CFĐT trên

Việc điều hành chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, không hạ giá tiền tệ để có lợi thế thương mại không công bằng - Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh khi Bộ Tài chính Mỹ cho rằng Việt Nam thao túng tiền tệ.

ngan-hang-nha-nuoc-viet-nam
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định Việt Nam không thao túng tiền tệ

Theo các chuyên gia, Việt Nam hoàn toàn không có chủ đích hay ý đồ thao túng tiền tệ, chưa bao giờ Việt Nam có chủ trương phá giá đồng tiền để tạo lợi thế cho hàng xuất khẩu. Và bản chất là như vậy.

Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua – trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung - nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

Thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt các yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam. Việc NHNN mua ngoại tệ can thiệp thời gian qua nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời củng cố dự trữ ngoại hối Nhà nước vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.

Xuất khẩu của VN tăng mạnh trong thời gian qua chủ yếu do dịch chuyển sản xuất hàng xuất khẩu từ các nước khác, chủ yếu là Trung Quốc, sang VN. Chi phí lao động tăng, sau này là bị trừng phạt do chiến tranh thương mại, nhiều công ty nước ngoài đã dời nhà máy từ Trung Quốc sang. Từ đó, hàng xuất khẩu của VN đã tăng từ 150 tỉ USD năm 2014 lên 264 tỉ USD năm 2019 và tăng trưởng 2%. 

Tuy vậy, nhập khẩu của VN cũng tăng nhanh, từ 148 tỉ USD năm 2014 lên 253 tỉ USD năm 2019. Điều này phản ánh dù Việt Nam có thặng dư xuất khẩu với Mỹ nhưng đầu vào nhập khẩu rất nhiều từ châu Á. "Bên cạnh đó, số liệu từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy thặng dư tài khoản vãng lai 4,9% GDP trong năm 2014 và giảm xuống 2,2% GDP vào năm 2019. Như vậy số liệu từ thặng dư thương mại, cán cân vãng lai cho thấy không có dấu hiệu bất thường của việc thao túng tiền tệ", Thạc sĩ Trần Kim Long, giảng viên Trường đại học Ngân hàng TP.HCM cho biết.

Trước đó, Việt Nam từng bị Bộ Tài chính Mỹ đưa vào danh sách giám sát do thỏa mãn hai tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai vào hồi tháng 5-2019. Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành hữu quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi, tiến tới quan hệ thương mại hài hòa, bền vững.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

Mai Hoàng
Cafe Khởi nghiệp