Thị trường chứng khoán ít bị ảnh hưởng bởi cáo buộc thao túng tiền tệ từ Mỹ?

Thứ sáu, 25/12/2020 | 10:01 Theo dõi CFĐT trên

VN-Index đã có những biến động lớn sau khi Bộ Tài chính Mỹ công bố cáo buộc "thao túng tiền tệ" hướng tới Việt Nam vào ngày 16/12 vừa qua. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, đây chỉ là biến động do thị trường tiếp nhận thông tin xấu trong ngắn hạn. Về mặt trung hạn, những cáo buộc của Mỹ sẽ không ảnh hưởng gì đến đà tăng điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam.

chung_khoan_viet-nam
Đã có những biến động mạnh trên VN-index, nhưng các chuyên gia tin rằng chứng khoán Việt Nam sẽ không chịu ảnh hưởng nhiều

Từ thời điểm cáo buộc Việt Nam là nước "thao túng tiền tệ" được công bố, chỉ số Vn-Index đã có những biến động rất mạnh. Cụ thể vào ngày 17/12 chỉ số Vn-Index đã tụt 15,22 điểm, ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong vòng 1 tháng. 

Tuy nhiên, theo nhận định của VCBS (Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương), đây chỉ là biến động do thị trường tiếp nhận thông tin xấu trong ngắn hạn. Về mặt trung hạn, những cáo buộc của Mỹ sẽ không ảnh hưởng gì đến đà tăng điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhóm phân tích của VCBS cho rằng, phản ứng tiêu cực này sẽ chỉ mang tính ngắn hạn. Những cáo buộc cho rằng Việt Nam thao túng tiền tệ từ phía Bộ Tài chính Mỹ sẽ chưa thể đi kèm với các biện pháp trừng phạt thương mại. Vì vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể vẫn sẽ chịu một số áp lực điều chỉnh, tuy nhiên thị trường sẽ sớm điều tiết lại tác động của những thông tin này lên nền kinh tế Việt Nam một cách chính xác hơn.

Trước những cáo buộc của phía Mỹ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có thông cáo báo chí về động thái mua ngoại tệ trong thời gian qua là nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào. Bên cạnh đó Dự trữ ngoại hối Nhà nước hiện đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực sẽ được củng cố và tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.

Các chuyên gia cũng cho rằng rất khó để Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt thương mại lên Việt Nam nếu chỉ dựa trên căn cứ là bản báo cáo kinh tế của Bộ Tài chính. Sẽ cần thời gian để có sự trao đổi, đàm phán đến từ phía cả 2 quốc gia. 

Chắc chắn chính phủ Việt Nam sẽ cung cấp thông tin, kèm theo đó là tiến hành giải trình về mục tiêu dự trữ nguồn lực ngoại hối trong bối cảnh so với các nước trong khu vực dự trữ ngoại hối theo tháng nhập khẩu của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp (khoảng 3,87 tháng nhập khẩu). Các cáo buộc Việt Nam sử dụng can thiệp ngoại tệ nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh về xuất khẩu là không chính xác.

"Chúng tôi kỳ vọng Mỹ sẽ không tiến hành các biện pháp trừng phạt thuế trên diện rộng với Việt Nam. Thay vào đó, các biện pháp giải quyết sẽ được thu xếp bằng đàm phán song phương giữa cơ quan ngoại giao và thương mại hai bên", báo cáo của VCBS viết.

Tuy nhiên, nhóm phân tích của VCBS cũng nhận định rằng cho dù trong kịch bản xấu nhất khi Việt Nam chính thức bị quy kết là quốc gia thao túng tiền tệ, thì nhóm hàng chịu ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt từ phía Mỹ cũng sẽ chỉ là các nhóm hàng đặc thù, chiếm tỉ trọng thấp trong kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ. 

Chuyên gia của VCBS nhận định mác thao túng tiền tệ ít khả năng tác động tiêu cực đến xu hướng thị trường, mà chỉ một nhóm nhỏ doanh nghiệp niêm yết có hoạt động xuất khẩu sang thị trường Mỹ chịu ảnh hưởng. Đà tăng điểm vì thế sẽ được củng cố sau vài nhịp điều chỉnh, nhưng động lực có phần thận trọng hơn.

Hoàng Hiệp
Cafe Khởi nghiệp