Thời gian vừa qua, tình trạng quảng cáo thuốc chữa bệnh sai sự thật trên mạng xã hội ngày càng phổ biến. Nhiều người đã rơi vào cảnh tiền mất tật mang khi tin theo những quảng cáo như "nhà tôi 3 đời trị sỏi thận”, khiến nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy gan, suy thận.
Trên mạng xã hội thời gian gần đây xuất hiện tràn lan mô típ “nhà tôi 3 đời” chữa sỏi thận, chữa tiểu đường và thậm chí là chữa ung thư…khỏi hoàn toàn bằng bí kíp gia truyền.
Bí kíp gia truyền được quảng cáo ở đây gói gọn trong những gói thuốc nam được bọc cẩn thận và kỹ lưỡng. Nhiều loại thuốc "thần kỳ" không cần uống, chỉ cần đắp, thế là bệnh tật tự tiêu tan. Xương khớp, ung thư cũng phải "chào thua".
Không ít người cảm thấy khó chịu vì bị làm phiền trước những đoạn clip được cắt ghép chèn vào các video trên nền tảng mạng xã hội. Tần suất xuất hiện nhiều khiến đoạn clip trở thành nỗi ám ảnh của hầu hết người dùng Youtube và cứ thế câu “nhà tôi 3 đời” trở thành trend đi vào cuộc sống.
Đặc biệt, câu “nhà tôi 3 đời trị sỏi thận” là quảng cáo được cho là có nội dung "ám ảnh" nhất trên YouTube và Tiktok thời gian gần đây.
Theo SaoStar, với tần suất xuất hiện dày đặc, thường xuyên là ở giữa những video khác trên YouTube, nên quảng cáo này khiến không ít người dùng YouTube cảm thấy khó chịu và mệt mỏi.
Một người dùng cho hay: "Ngày nào hát nhạc cho con nghe cũng phải nghe quảng cáo “nhà tôi 3 đời trị sỏi thận” ít nhất cũng 3 lần”.
"Cứ xem 1 video chưa đến 10’ thì lại có tới 2-3 quảng cáo chèn vào. Chưa kể nội dung cứ lặp đi lặp lại và không phù hợp", một người khác cho biết.
Trên nền tảng Tiktok, câu “nhà tôi 3 đời trị sỏi thận” còn được chế thành bản remix và rất nhiều Tiktoker chế hình ảnh hài hước, châm biếm về câu nói đầy ám ảnh này.
Bên cạnh quảng cáo "Nhà tôi 3 đời trị sỏi thận", những quảng cáo đông y như "Cứng khớp đau nhức đi bệnh viện không khỏi...", "Thuốc mọc tóc, trị trĩ, dứt điểm viêm xoang, sỏi thận"... cũng là những nội dung quảng cáo khiến người dùng không khỏi ám ảnh trong suốt thời gian gần đây.
“Tiền mất tật mang” khi tin lời quảng cáo
Theo báo Sức khỏe & Đời sống, trung bình một tháng, BV Bệnh Nhiệt đới TW tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân nhập viện vì tự ý sử dụng các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc.
Đa số bệnh nhân cho biết họ nghe theo quảng cáo bán thuốc gia truyền "3 đời" chữa dứt điểm tiểu đường, thoái hoá khớp, sỏi thận, giảm cân, sinh con trai... nên đã không ngần ngại mua về uống, chẳng ngờ lại gặp tai hoạ... Nhiều bệnh nhân đến khám ngay lập tức phải nhập viện điều trị vì men gan tăng, vàng da, vàng mắt và đặc biệt có bệnh nhân suýt ngừng tim.
Đang nằm điều trị tại Khoa Nội tổng hợp, BV Bệnh Nhiệt đới TW, cô gái 25 tuổi (ở Sóc Sơn, Hà Nội) đau bụng dữ dội sau 20 ngày uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, men gan tăng cao gấp 20 lần.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, 3 ngày trước khi nhập viện, cô gái bị đau bụng âm ỉ cả ngày, có lúc đau quặn thành cơn, sốt. Trước đó, cô gái có uống thuốc nam suốt 20 ngày, không rõ loại thuốc và nguồn gốc thuốc, vì mong mỏi có thể sinh được con trai.
Theo BS. Vũ Minh Đức - Khoa Nội tổng hợp, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, người bệnh rất đau đớn, không thể chia sẻ gì về loại thuốc nam đã uống. Các xét nghiệm cho thấy cô gái có men gan cao gấp khoảng 20 lần so với bình thường và âm tính viêm gan B, C, HIV.
"Men gan của người bệnh tăng cao bất thường khả năng cao do thuốc nam. Men gan cao cũng cho thấy gan đã nhiễm độc, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới vàng da, vàng mắt, suy gan", BS. Đức cho biết.
Các bác sĩ cho biết, điều may mắn là bệnh nhân này được phát hiện bệnh sớm, gan chưa tổn thương nặng tới mức vàng da, vàng mắt. Người bệnh được yêu cầu dừng uống thuốc nam để không làm xấu tình trạng men gan, sau đó uống thuốc giải độc, bổ gan để giúp gan hồi phục. Bác sĩ cũng phát hiện bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp song chưa thể kết luận việc viêm ruột thừa có liên quan tới thuốc nam hay không.
Hiện, người bệnh đã được phẫu thuật cắt ruột thừa, men gan cao đã giảm một nửa sau gần nửa tháng điều trị. Dự kiến, cô gái sẽ xuất viện trong tuần này.
Tại sao quảng cáo “nhà tôi 3 đời” lại xuất hiện nhiều đến vậy?
Tình trạng quảng cáo thuốc đông y đã xuất hiện tràn lan trên nền tảng Facebook từ rất lâu, nhưng do gần đây Facebook thắt chặt chính sách quảng cáo nên các nhà thuốc đông y này lại chuyển qua nộp phí quảng cáo để lên Youtube.
Giá quảng cáo thường rơi vào 100-200 đồng/lượt. Tuy nhiên, các đơn vị đông y lại sẵn sàng chi 500-900/lượt để giành vị trí quảng cáo. Chính điều này đã khiến Youtube ưu tiên quảng cáo thuốc đông y hơn các nội dung khác. Ngoài ra, các đơn vị quảng cáo này còn kết hợp với việc “săn deal” quảng cáo giá hời để đánh bật các đơn vị quảng cáo khác.
Thực tế, nhiều cơ sở bán thuốc đông y đã không ngại lách luật để qua mặt Youtube, dẫn tới việc quảng cáo kiểu này xuất hiện dày đặc, khiến người xem cảm thấy khó chịu.