Đô thị hóa ngày càng tăng cao, kéo theo những hệ lụy về môi trường. Thế nhưng, vấn đề này đang được chính người dân tại làng Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) giải quyết đồng lòng bằng con đường gốm sứ đa sắc màu.
Đô thị hóa ngày càng tăng cao, kéo theo những hệ lụy về môi trường. Thế nhưng, vấn đề này đang được chính người dân tại làng Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) giải quyết đồng lòng bằng con đường gốm sứ đa sắc màu.
Bước vào cổng làng Liên Mạc trong một buổi chiều đầu xuân, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước một khu phố vẫn còn giữ được dáng vẻ của vùng quê. Điều đặc biệt hơn chính là dọc các ngõ xóm, con đường làng đều được trang trí bởi những tác phẩm nghệ thuật sinh động, hấp dẫn bởi chính người dân nơi đây.
Ý tưởng này đã được chị Nguyễn Thị Hiên (trú phường Liên Mạc) ấp ủ từ lâu khi nhiều năm trở lại đây, chị đã chứng kiến khu vực sinh sống phải chịu ảnh hưởng nhiều bởi rác thải cũng như sự hạn chế về vấn đề bảo vệ môi trường của người dân.
Nhóm chị Hiên gồm có 3 người lên ý tưởng, ban đầu chị với mọi người có ý tưởng là vẽ bích họa lên tường, nhưng sau đó thấy môi trường tại khu vực sinh sống bị ảnh hưởng lớn bởi rác thải, nhóm chị bàn bạc lại và đưa ra quyết định lấy phế thải để biến đường làng, ngõ xóm trở lên đẹp hơn.
Ban đầu, nhóm chị Hiên gửi đơn xin ý kiến lãnh đạo tổ dân phố. Nhận được sự đồng ý bởi chính quyền, nhóm chị tiến hành làm tờ rơi và viết lên bảng tin treo ở cổng làng, cùng với đó là tuyên truyền qua mạng xã hội.
Theo chị Hiên, những ngày đầu tuyên truyền ý tưởng độc đáo này đã khiến không ít người hoài nghi về mức độ rủi ro. Tuy nhiên, điều đó đã không khiến chị Hiên nhụt chí, thời điểm ban đầu chị đi từng nhà, từng xóm để xin những mảnh bát đĩa, chai lọ rồi lại tuyên truyền ý tưởng của mình tới mọi người.
Với phương châm “mưa dầm thấm lâu” đã giúp nhóm chị Hiên nhận được rất nhiều phản hồi tích cực chỉ sau khoảng 2 tuần đầu tiên sau khi tuyên truyền. Thời gian sau, đã có không ít người dân tự chở vật liệu phế thải tới nhà chị Hiên và tham gia vào việc triển khai ý tưởng này.
Sau khi nhận được một lượng lớn người ủng hộ, chị Hiên đã cùng mọi người tạo lên những tác phẩm đầu tiên. Nói về tác phẩm đầu tiên, chị Hiên không ngần ngại chia sẻ: “Khi chúng tôi bắt đầu làm thì cũng chưa ai có kinh nghiệm trong việc này cả. Từ những việc nhỏ nhất như thu gom phiệu, tập kết cho đến việc cưa, mài, lau chùi…thì chúng tôi đều phải tìm hiểu trên mạng và nghĩ ra cách để triển khai. Sau khi gắn xong bức tranh đầu tiên, tuy hơi xấu xí, mấp mô nhưng nó là thành quả vất vả của 15 đến 20 người tạo lên, tôi cảm thấy rất vui”.
Rất may, ý tưởng độc đáo của chị Hiên đã nhanh chóng được lan rộng và được người dân trong làng Liên Mạc rất ủng hộ. Từ người già đến trẻ em cũng đều tham gia, mỗi người một công đoạn từ việc thu gom, lựa màu sắc, cưa, mài, lau chùi….
Bên cạnh đó, là một trong 3 người cùng đưa ra ý tưởng, chị Ngô Quỳnh Liên, Tổng giám đốc Công ty mỹ thuật Yên Vũ, đã tài trợ phác thảo các họa tiết theo sở thích của mỗi hộ sinh sống trong khu vực này.
Cuộc “khởi công” của người dân làng Liên Mạc bắt đầu từ đầu tháng 10 năm 2020 và hoàn thành trước Tết năm nay. Để có được những con đường làng gốm sứ, người dân làng Liên Mạc cứ mỗi thứ 7, chủ nhật lại bắt đầu cùng nhau bắt tay vào làm việc và mỗi khi đêm xuống, nhiều gia đình lại mắc điện sáng trưng đến khoảng 22h, để cố gắng hoàn thành xong tác phẩm.
Xuất phát từ lòng yêu quê hương, yêu đất nước và bảo vệ môi trường, chị Hiên, người phụ nữ với ý tưởng độc đáo này đã đóng góp cho xã hội một ý tưởng độc đáo, mới lạ và mang lại những giá trị nhân văn sâu sắc.
Chị Hiên cho biết, chị rất mong muốn những bức tranh phế thải tại làng Liên Mạc sẽ mang được lan rộng khắp cả nước. Bởi vì điều này không chỉ giúp cho ngôi làng trở lên đẹp đẽ, mà nó mang thông điệp rất lớn đó là cùng nhau bảo vệ môi trường.
Đường làng nhếch nhác ngày nào giờ đã được khoác một “chiếc áo mới” đẹp đẽ, mang tới cho người dân, du khách một góc nhìn mới về sự sáng tạo tuyệt vời của người dân, tác động không nhỏ tới nhận thức và ý thức của người dân về bảo vệ môi trường sống và môi trường văn hóa của khu dân cư làng Liên Mạc.