Kuwait thuộc nhóm 10 quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới đang phải đối mặt với sự thực nghiệt ngã cạn kiệt tiền mặt.
Kuwait thuộc nhóm 10 quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới đang phải đối mặt với sự thực nghiệt ngã cạn kiệt tiền mặt.
Năm 2016, khi Bộ trưởng Tài chính của Kuwait lúc đó là ông Anas Al-Saleh đã cảnh báo rằng, đã đến lúc nước này phải cắt giảm chi tiêu và chuẩn bị cho cuộc sống hậu dầu mỏ, ông đã bị chế nhạo bởi những người dân vốn được nuôi sống bởi nguồn petrodollar dường như là vô tận. Lời cảnh báo đó đã trở thành hiện thực vào 4 năm sau đó.
Kuwait – một trong những nước giàu nhất thế giới hiện đang phải vật lộn chỉ để sống qua ngày. Giá năng lượng lao dốc làm dấy lên những câu hỏi sâu sắc về mô hình phát triển kinh tế của các quốc gia vùng Vịnh .
Theo báo cáo của Nation Thailand, sau một cuộc tranh chấp chính trị về việc vay nợ khiến Kuwait thiếu tiền mặt và Fitch phải cắt giảm triển vọng kinh tế của nước này xuống mức tiêu cực.
Fitch khẳng định Kuwait xếp hạng AA, tuy nhiên Fitch cũng cho rằng: "sự cạn kiệt tài sản của chính phủ sắp xảy ra. Quốc hội không ủy quyền cho Chính phủ vay", đang tạo ra một nền kinh tế bấp bênh.
Fitch cho biết, họ sẽ xem xét hạ cấp Kuwait trong vòng 6 đến 12 tháng tới nếu các chính trị gia không vượt qua được bế tắc.
Với mong muốn tạo ra thanh khoản, năm 2020, Chính phủ Kuwait đã bắt đầu thế chấp tài sản tốt nhất của mình cho FGF để lấy tiền mặt trị giá 600 tỉ USD nhằm bảo vệ sự giàu có của quốc gia Ả Rập này ở vùng Vịnh.
Với những khoản tiền hiện đã biến mất, không rõ Chính phủ sẽ làm thế nào để bù đắp thâm hụt ngân sách lần thứ 8 liên tiếp, dự kiến là 12 tỉ dinar (gần 40 tỉ USD) cho năm tài chính bắt đầu từ tháng 4/2021.
Các tài sản thế chấp bao gồm cả cổ phần tại Kuwait Finance House và Công ty viễn thông Zain, một người am hiểu vấn đề này cho biết. Cũng theo người này, Công ty dầu mỏ Kuwait thuộc sở hữu nhà nước, có giá trị danh nghĩa 2,5 tỷ dinar (8,3 tỉ USD), cũng đã được chuyển đi từ kho bạc của chính phủ vào tháng 1/2021.
Bộ Tài chính từ chối cung cấp thông tin chi tiết về các giao dịch hoán đổi. Tuy nhiên, trả lời Fitch, Bộ trưởng Tài chính Khalifa Hamada cho biết, tình hình tài chính của Kuwait vẫn "vững chắc". Ông nói, ưu tiên của Chính phủ là bổ sung kho bạc mà không nêu rõ cách thức.
Giống như các nước láng giềng, Kuwait đang phải đối mặt với áp lực kép của đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm.
Tuy nhiên, không giống như Ả Rập Saudi và các nước khác, các nhà lập pháp Kuwait đã chặn các đề xuất vay nợ trên thị trường quốc tế để bù đắp khoản thiếu hụt tài chính. Kuwait đã không quay trở lại thị trường quốc tế kể từ năm 2017.
Mặc dù gần 3/4 ngân sách được dành cho tiền lương và trợ cấp của khu vực công, các nghị sĩ đã phản đối bất kỳ dấu hiệu cắt giảm chi tiêu nào. Họ nói rằng Chính phủ phải giảm lãng phí và tham nhũng.
Với 80% thu nhập dựa vào dầu mỏ, Kuwait cần giá dầu thô ở mức 90 USD/thùng để cân bằng ngân sách mới. Tuy nhiên, giá dầu Brent chuẩn được giao dịch ở mức khoảng 58 USD/thùng vào ngày 3/2 trong khi chi tiêu dự kiến sẽ tăng 7%.
Ông Talal Fahad Alghanim, cựu Giám đốc điều hành của Sàn giao dịch chứng khoán Boursa Kuwait cho hay: "Nếu chính phủ không thuyết phục được Quốc hội, Ngân hàng Trung ương sẽ phải dùng đến cách phá giá đồng dinar".
Hiện 90% nguồn thu của Kuwait vẫn phụ thuộc vào hydrocarbon. 80% người lao động làm việc trong khu vực nhà nước với mức thu nhập vượt trội so với khu vực tư nhân. Trung bình các phúc lợi xã hội mà 1 gia đình được hưởng có thể lên đến 2.000 USD mỗi tháng. Tiền lương và trợ cấp chiếm 75% chi ngân sách, trong khi ngân sách đang hướng đến năm thâm hụt thứ 7 liên tiếp kể từ cú lao dốc của giá dầu năm 2014.
Tuy nhiên, Kuwait vẫn còn tiền, thậm chí là rất nhiều tiền đang được giữ trong quỹ đầu tư quốc gia lớn thứ 4 thế giới (trị giá khoảng 550 tỷ USD). Nhưng động đến Future Generations Fund - quỹ được thiết kế để đảm bảo duy trì thịnh vượng sau khi cạn kiệt dầu mỏ là vấn đề gây nhiều tranh cãi.
Kể từ năm 2006 đến nay, Kuwait đã trải qua 16 đời chính phủ, 7 cuộc bầu cử và thay Bộ trưởng Tài chính 4 lần.
Sự bế tắc khiến niềm tin của nhà đầu tư bị xói mòn nghiêm trọng. Tháng 3, S&P Global Ratings và Moody’s cảnh báo hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Kuwait xuống tiêu cực. IMF cho rằng: "cánh cửa cơ hội để Kuwait giải quyết các thách thức đang dần thu hẹp".