Theo báo cáo tài chính quý 4/2020, Công ty Cổ phần Đầu tư Apax Holdings (mã IBC) có ghi nhận khoản phải thu đối tượng khác lên đến 475 tỷ đồng, tương đương với gần 15% tổng tài sản tuy nhiên không có thuyết minh cụ thể.
Theo báo cáo tài chính quý 4/2020, Công ty Cổ phần Đầu tư Apax Holdings (mã IBC) có ghi nhận khoản phải thu đối tượng khác lên đến 475 tỷ đồng, tương đương với gần 15% tổng tài sản tuy nhiên không có thuyết minh cụ thể.
Căn cứ vào các hoạt động kinh doanh cũng như các thông tin từ giới phân tích, khoản tiền 475 tỷ đồng này là Apax Holdings đặt cọc cho một dự án bất động sản ở tỉnh Hà Tĩnh.
Theo đó, vào cuối năm 2020, Apax English đã ký hợp đồng đặt cọc 475 tỷ đồng cho Công ty TNHH MTV Nam Phong – chủ đầu tư Dự án Khu nhà ở và dịch vụ đa năng Vũng Áng tại khu kinh tế Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Được biết, dự án Khu nhà ở và dịch vụ đa năng Vũng Áng được triển khai nhằm phục vụ nhu cầu của nhà máy Formosa Hà Tĩnh. Dự án có diện tích gần 42.000 m2, trong đó có các khu khu thương mại, khách sạn, siêu thị... rộng 6.534 m2 và khu căn hộ, nhà ở, bãi xe, nhà ăn rộng 10.508 m2. Hiện một phần của dự án đã được xây dựng gồm 2 tòa căn hộ 12 tầng và khu nhà hàng – hội trường – tổ chức sự kiện 5 tầng.
Điều đáng nói là, trong thời điểm hiện tại, tình hình kinh doanh hiện tại của Apax Holdings đang rất khó khăn. Hiện tại, doanh nghiệp này đã âm vốn lưu động ròng lên đến 324 tỷ đồng đến cuối năm 2020, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm tới 736 tỷ đồng.
Năm 2020, doanh thu của Apax Holdings đạt hơn 1.950 tỷ đồng, tăng gần 17% tuy nhiên lợi nhuận gộp lại giảm 7% xuống 720 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế vẫn tăng nhẹ so với năm trước lên mức 108 tỷ đồng nhờ doanh thu bất thường từ hoạt động tài chính.
Trong năm qua, Apax Holdings đã ghi nhận 105 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, tăng gấp 3 lần so với năm trước đó. Riêng thu nhập lãi từ các khoản đặt cọc cho Shark Thủy (gần 500 tỷ) là 42,5 tỷ đồng. Các khoản đặt cọc này đã đẩy quy mô các khoản phải thu lên gấp 6 lần trong năm 2020, đạt 870 tỷ đồng. Phần lớn số tiền này được tài trợ bởi hoạt động vay thêm nợ từ ngân hàng BIDV và phát hành trái phiếu của công ty.
Đến cuối năm 2020, các khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của Apax Holdings đã tăng 44% lên mức 573 tỷ đồng trong khi vay dài hạn cũng tăng gấp đôi lên 508 tỷ đồng.
Cuối năm 2020, Apax Holdings cũng đã huy động vốn bằng việc phát hành thành công 300 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Đây là lô trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 12,5%/năm. Mục đích của đợt phát hành được Apax Holdings công bố dự kiến là 250 tỷ đồng để cơ cấu nợ, 50 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động cho công ty.