Giá vàng thế giới và trong nước vừa trải qua tuần sụt giảm, nhưng theo giới phân tích, giá vàng phục hồi trở lại nếu như lợi suất trái phiếu dừng tăng.
Giá vàng thế giới và trong nước vừa trải qua tuần sụt giảm, nhưng theo giới phân tích, giá vàng phục hồi trở lại nếu như lợi suất trái phiếu dừng tăng.
Trong phiên giao dịch đầu tuần, giá vàng trong nước biến động nhẹ quanh mốc 56 triệu VNĐ/lượng khi giá vàng thế giới phục hồi nhờ đồng bạc xanh suy yếu.
Sang phiên giao dịch ngày 23/2, giá vàng trong nước đảo chiều tăng mạnh trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng, khi các nhà đầu tư lo ngại hơn về lạm phát trước khả năng gói kích thích trị giá 1,9 nghìn tỷ USD được Quốc hội Mỹ thông qua.
Bất chấp việc đóng cửa phiên giao dịch 24/2 (theo giờ Mỹ) ở trên vùng 1.800 USD/ounce, giá vàng thế giới trong phiên 25/2 giờ Mỹ (theo giờ Việt Nam) thị trường đã chứng kiến áp lực bán tháo mạnh của nhà đầu tư và lao dốc xuống vùng thấp nhất kể từ tháng 7 nắm ngoái.
Trong đó, giá vàng trên sàn New York đêm 25/2 giảm 34,7 USD, đóng cửa ở mức 1.770,1 USD/ounce. Đà giảm kể trên tương đương với việc kim loại quý đã mất gần 2% giá trị phiên đêm 25/2. Vào lần gần nhất, giá vàng trên sàn New York giao dịch ở ngưỡng 1.770 USD đã diễn ra từ cuối tháng 6 năm ngoái, khi đó, thị trường đang trong xu hướng tăng mạnh từ vùng dưới 1.500 USD/ounce.
Còn trên sàn Comex, giá hợp đồng vàng tương lai giao tháng Tư cũng mất 25,8 USD, tương ứng 1,44% trong ngày, hiện cố định ở ngưỡng 1.772,9 USD.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến phiên bán tháo đêm qua là do lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng. Trong đó, trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của nước Mỹ đã tăng lên vùng cao nhất một năm, phổ biến ở mức 1,519%.
MarketWatch khẳng định, lợi suất trái phiếu tăng với trái phiếu kho bạc 10 năm ở trên ngưỡng tâm lý 1,5% trên đã gây áp lực lên cả cổ phiếu và vàng và buộc các nhà đầu tư phải đánh giá lại giá trị tương đối của việc sở hữu tài sản.
Trong khi đó, lợi tức trái phiếu Mỹ tăng mạnh sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell có tuyên bố tự tin vào nền kinh tế số 1 thế giới trong năm 2021.
Ông Powell bác bỏ những lo ngại về việc lạm phát có thể đạt trên 2% và cam kết tiếp tục các gói hỗ trợ cho nền kinh tế Mỹ. Nhà lãnh đạo cơ quan quản lý tiền tệ Mỹ cũng dự báo GDP Mỹ năm 2021 sẽ tăng trưởng 6% sau khi suy giảm 2,5% trong năm 2020.
Theo VietnamPlus, trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại Blue Line Futures, Phillip Streible cho hay, lãi suất trái phiếu tăng tiếp tục ảnh hưởng xấu đến thị trường vàng. Theo ông Phillip Streible, vàng chưa tìm được cách nào để phục hồi vững chắc ngay cả khi nước Mỹ có các cuộc đàm phán về các biện pháp kích thích kinh tế bổ sung.
Xu hướng tăng lãi suất trái phiếu đã tác động xấu đến sức hấp dẫn của thứ kim loại quý này, bởi vàng vốn được xem như một biện pháp phòng ngừa lạm phát vì nó làm tăng chi phí cơ hội cho những người nắm giữ vàng.
Giá vàng thế giới đã giảm 2,7% trong tuần qua và giảm tới 6,6% trong tháng 2, đây là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 11 năm 2016.
Nhà phân tích thị trường Fawad Razaqzada tại ThinkMarkets cho rằng lợi suất trái phiếu tăng là trở ngại chính đối với giá vàng, khi điều này làm tăng chi phí cơ hội cho việc nắm giữ vàng. Ông cho rằng giá vàng cũng chịu sức ép do giao dịch theo kỳ vọng lạm phát gần đây, khi các nhà đầu tư chọn các tài sản khả năng có triển vọng tốt hơn khi tình hình kinh tế cải thiện như đồng và dầu thô.
Ông Razaqzada cho rằng triển vọng giá vàng có phần ảm đạm nhưng nếu lợi suất trái phiếu dừng tăng, giá kim loại này có thể phục hồi. Ông nói nếu số liệu kinh tế sắp tới không cho thấy một sự phục hồi kinh tế rất mạnh, lợi suất có thể giảm và điều này sẽ hỗ trợ giá vàng.
Việc tiêm chủng vắc xin Covid-19 và hy vọng phục hồi sau đại dịch trong nửa sau năm 2021 này là một trong những yếu tố chính đứng sau triển vọng cải thiện của nền kinh tế và là lý do để bán ra trái phiếu.