Theo một báo cáo mới công bố của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các nền tảng số hóa và công cụ dựa trên công nghệ khác đang mang đến những cơ hội tăng trưởng mới cho doanh nghiệp ở mọi quy mô và ngành nghề tại châu Á - Thái Bình Dương. Đây được xem là “chìa khóa” giúp nền kinh tế châu Á phục hồi trong đại dịch Covid-19.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada, các quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương đã tận dụng tiến bộ nhanh chóng về công nghệ và kỹ thuật số để phục hồi và tái kết nối với nền kinh tế toàn cầu trong đại dịch Covid-19.
"Công nghệ đang giúp tạo dựng các mối liên kết toàn cầu mới và đem đến những cơ hội kinh tế vô cùng to lớn, song cũng tạo ra những thách thức và nguy cơ mới. Cần phải triển khai các chính sách, quy định nhằm quản lý sự gián đoạn và tối ưu hóa lợi ích từ nền kinh tế số đang bùng nổ và duy trì những thành quả này thông qua tăng cường hợp tác khu vực", ông Yasuyuki Sawada cho biết.
Trong năm 2019, doanh thu thương mại điện tử từ doanh nghiệp tới khách hàng của các nền tảng kỹ thuật số đã đạt 3.800 tỷ USD trên toàn cầu, trong đó châu Á - Thái Bình Dương chiếm khoảng 48%, tương đương 1.800 tỷ USD. Con số này bằng 6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực.
Trong năm 2020, con số này được kỳ vọng sẽ tăng đáng kể khi ngày càng nhiều giao dịch kinh doanh dịch vụ gọi xe, giao đồ ăn và thương mại điện tử chuyển sang không gian số trong bối cảnh những hạn chế được áp đặt để giảm sự lây lan của đại dịch Covid-19. Việc tăng cường chuyển đổi số có khả năng thúc đẩy sản lượng, thương mại và việc làm toàn cầu.
Theo báo cáo, mức tăng 20% quy mô của lĩnh vực số hóa toàn cầu có thể giúp tăng sản lượng toàn cầu trung bình 4.300 tỷ USD mỗi năm từ năm 2021-2025.
Tương tự, châu Á - Thái Bình Dương sẽ thu được lợi nhuận kinh tế tới hơn 1.700 tỷ USD/năm hoặc hơn 8.600 tỷ USD trong giai đoạn 5 năm từ năm 2021-2025. Sẽ có khoảng 65 triệu việc làm mới được tạo ra hằng năm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho tới năm 2025 nhờ gia tăng sử dụng các công nghệ số hóa cùng với thương mại của khu vực cũng được kỳ vọng đạt mức tăng 1.000 tỷ USD/năm trong 5 năm tới.
Các Chính phủ trong khu vực có thể tận dụng và thu được lợi ích từ nền kinh tế số đang nổi lên này thông qua các chính sách và cải cách để cải thiện cơ sở hạ tầng và kết nối kỹ thuật số cũng như khả năng tiếp cận chúng.
Các bước đi này bao gồm thúc đẩy cạnh tranh công bằng và cải thiện quy trình tạo thuận lợi cho việc kinh doanh cũng như việc tăng cường các biện pháp an toàn lao động và bảo vệ xã hội để phù hợp với việc làm kỹ thuật số.
Báo cáo nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung vào an ninh và bảo mật dữ liệu, thuế, quan hệ đối tác giữa các thể chế nhà nước và tư nhân, và hợp tác khu vực.
Báo cáo cũng lưu ý rằng, kết quả hoạt động thương mại của khu vực dù gặp khó khăn trong nửa đầu năm 2020 được kỳ vọng sẽ hồi phục nhanh hơn dự kiến. Trong tháng 5/2020, tăng trưởng kim ngạch thương mại của châu Á sụt giảm kỷ lục ở mức âm -10,1% so với cùng kỳ năm 2019, song đã dần hồi phục và đạt mức dương kể từ tháng 9 năm ngoái.
Các dòng vốn đầu tư toàn cầu và đầu tư vào khu vực được dự báo giảm sâu hơn trong năm ngoái, sau mức sụt giảm 7,7% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào châu Á trong năm 2019, tương ứng 510,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, hoạt động sáp nhập và mua bán các công ty gần đây trong khu vực cho thấy những dấu hiệu hồi phục khi các nước đã bắt đầu mở cửa và giảm nhẹ một số hạn chế liên quan tới đại dịch Covid-19.
ADB cam kết đạt tới một khu vực Châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững, trong khi duy trì nỗ lực xóa nghèo cùng cực.
Được thành lập vào năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 68 thành viên, trong đó có 49 thành viên trong khu vực.