Một câu chuyện cảm động về người lao công ở Bệnh viện Phổi Trung ương khiến người ta không ngừng tự nhủ, cảm ơn người, cảm ơn đời vì xã hội này vẫn còn đó những việc làm tử tế như thế.
Một câu chuyện cảm động về người lao công ở Bệnh viện Phổi Trung ương khiến người ta không ngừng tự nhủ, cảm ơn người, cảm ơn đời vì xã hội này vẫn còn đó những việc làm tử tế như thế.
Trong xã hội hiện nay, khi đâu đó tham lam và vụ lợi đang trỗi dậy, lòng tốt bị “đánh cắp” thì việc trả lại tài sản cho người đánh mất càng trở nên đáng quý trọng. Cô Hà Thì Tựa (58 tuổi, ở Hải Dương) là một trong những tấm gương cho nghĩa cử cao đẹp ấy.
Cô Tựa, một nữ lao công bình thường làm việc tại Bệnh viện Phổi Trung ương, trong những ngày gần đây, cô Tựa được nhiều người biết tới với những việc làm tử tế, mang tính nhân văn sâu sắc.
Chúng tôi tới gặp cô Tựa vào một ngày đẹp trời tại khuôn viên Bệnh viện Phổi Trung ương, trong lúc ngồi nói chuyện với cô, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi ai nấy đi qua cũng gửi lời chúc cùng những cái bắt tay…. Khi được hỏi về chuyện này, cô Tựa phấn khởi chia sẻ với chúng tôi rằng cô vừa được Giám đốc bệnh viện trao tặng giấy khen, tuyên dương toàn viện vì đã có hành động đẹp “nhặt được của rơi, trả lại người đánh mất”.
Cô Tựa cho biết, khoảng 10 ngày trước, trong lúc đang dọn dẹp vệ sinh tại khoa Hồi sức tích cực, hai lần cô nhặt được túi xách của người nhà bệnh nhân với tổng số tiền hơn 60 triệu đồng.
Lần đầu tiên cô Tựa nhặt được túi xách là trong lúc đang đi vào phòng vệ sinh. Bất ngờ cô thấy một chiếc túi nhưng khi ngó ra hành lang và nhìn vào bên trong nhà vệ sinh thì lại không có ai.
“Ban đầu tôi nghĩ chắc là ai lấy trộm nó rồi bỏ lại túi xách, thế là lúc đó tôi tò mò đi đến mở ra. Sau khi mở ra, tôi giật mình vì bên trong nhiều tiền quá. Thấy vậy, tôi liền đem chiếc túi mang tới khu hành chính của khoa và nhờ các bác sĩ trong đó tìm người đã đánh mất để trả lại. Sự việc nhanh chóng được báo lên lãnh đạo khoa và may mắn tìm được người đánh rơi. Được biết, tổng số tiền kiểm đếm là 30 triệu đồng”, cô Tựa kể.
Cô Tựa cho hay, số tiền trong chiếc túi xách thực sự rất nhiều, nhưng nghĩ tới cảnh người bỏ quên chiếc túi này không tìm lại được sẽ rất đau lòng nên cô liền đem đi để trả lại. Sau khi đưa ví cho các bác sĩ để nhờ trả lại cho người đánh mất, người phụ nữ 57 tuổi lại tiếp tục với công việc dọn dẹp thường ngày của mình.
“Khi tôi đi đổ rác quay lại thì nhìn thấy một người phụ nữ đang ngồi khóc và tay đang cầm chiếc túi tôi vừa nhặt được, đeo ở cạnh sườn. Lúc đó tôi cũng rất ngạc nhiên vì chiếc túi vừa nãy mình còn không biết của ai, giờ đã có người nhận khiến tôi cảm thấy rất vui mừng. Tiến lại gần người phụ nữ vừa nhận lại chiếc túi xách, tôi mở lời nói chuyện, nói được vài ba câu, người đó cũng nhận ra người mà nhặt được túi của họ là tôi, người ta cảm ơn tôi rất nhiều”, cô Tựa mỉm cười nói.
Kể về câu chuyện lần thứ hai nhặt được ví, cô Tựa cho biết, khoảng vài ngày trước, trong lúc đi ngang qua cửa phòng bệnh nhân cô thấy một chiếc túi để ở chỗ giá giày dép. Lúc đó cũng không nghĩ nhiều do vậy người phụ nữ này lại tiếp tục công việc của mình. Cho đến khi khoảng hơn 9h sáng, sau khi đổ rác xong, cô quay lại vẫn thấy chiếc túi đó, liền nghĩ chắc ai đánh rơi hoặc bỏ quên. Sau đó, cô Tựa cầm lên và mang đi hỏi mọi người xem đây là chiếc túi của ai.
“Lúc đó tôi không mở ra kiểm tra, chỉ cầm chiếc tui trên tay rồi mang vào các phòng hồi sức để hỏi xem là của ai, một tay cầm túi giơ cao, miệng thì nói ‘chiếc túi này của ai đây’, sau đó có một cô gái ngoảnh lại, nhìn thấy chiếc ví, cô gái đó giật mình và nhận ra chiếc túi đó là cô ấy bỏ quên rồi xin lại. Lúc đó tôi không nghĩ nhiều, cùng mọi người ở đấy xác minh, kiểm đếm thì bên trong có một số giấy tờ và hơn 30 triệu đồng tiền mặt”, cô Tựa chia sẻ.
Buổi trưa hôm sau, trong lúc cô Tựa đang loay hoay với công việc của mình, bỗng dưng cô được Y tá trưởng mời lên nói chuyện.
“Lúc đó tôi không biết chuyện gì đang xảy ra, liền đi về phía văn phòng của Y tá trưởng. Khi được hỏi về chuyện nhặt được chiếc túi. Tôi đã kể lại toàn bộ sự việc cho Y tá trưởng”, Cô Tựa nói.
Sau mỗi lần nhặt được số tiền lớn, cô Tựa thường đem câu chuyện đi kể với bạn bè, người thân…nhiều người khen ngợi nhưng cũng có người thắc mắc tại sao cô lại trả lại, sao không lấy mà tiêu hay cô chê tiền? Trước những câu hỏi đó, cô chỉ trả lời với họ rằng: “Đối với tôi, tiền thì chả ai chê nhưng tôi chỉ sống sao cho xứng đáng với lương tâm của mình thôi, chứ chẳng ai là người chê tiền”.
Cô cũng không quên mang câu chuyện kể với chồng của mình. Nghe xong, chồng cô không trách móc hay giận giữ mà ngược lại còn nở nụ cười qua điện thoại và bảo đó là việc nên làm.
Trong mỗi chúng ta, có lẽ đã không ít lần nhặt được tiền, ví hay một vật có giá trị trong đời. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ mạnh mẽ để vượt qua cám dỗ để đem thứ mình nhặt được, mang đi trả lại hoặc muốn trả lại nhưng cũng không biết trả lại bằng cách nào. Mà không phải lần nào trả lại, chúng ta cũng sẽ nhận được lời cảm ơn và trong những câu chuyện của cô Tựa cũng vậy, đã không ít lần cô rơi vào trường hợp dở khóc dở cười chỉ vì lòng tốt của mình.
Theo lời kể của cô Tựa, trước đây cô từng làm lao công ở bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Có một lần, trong lúc cô đi đổ rác thì vô tình thấy một chiếc ví trong thùng rác, cô cúi xuống nhặt chiếc ví lên, lúc hỏi mọi người thì không ai nhận cả. Khi mở ra thì bên trong có giấy tờ ô tô, xe máy, số điện thoại, thấy vậy người phụ nữ này liền gọi cho họ đến nhận. Lúc họ tới nhận, họ mở ví ra không thấy tiền thì đổ cho cô Tựa lấy trộm ví của họ.
“Lúc đó tôi hoang mang, không biết giải thích thế nào thì có vài y bác sĩ cùng với người dân đi tới làm chứng và giải thích cho người nhận ví. Sau đó họ mới thôi, không đổ tội cho tôi nữa”, cô Tựa nhớ lại.
Những câu chuyện về lòng tốt bây giờ thường bị xem như là “cổ tích” và những người làm việc tốt có thể bị nghi ngờ như đang “âm mưu” một điều gì đó. Hình như càng ngày niềm tin về lòng tốt, người tốt càng bị lung lay?
Trong cơ quan, trong quan hệ xã hội, nếu như bỗng dưng nhận được lòng tốt của một người nào đó, có thể bạn cũng nghĩ hay họ lại đang cần gì mình, định nhờ gì mình đây. Lòng tốt đang bị ngờ vực là một thực tế đau lòng.
Còn nhớ, nhà văn Hoàng Anh Tú từng có một đoạn viết ngắn rằng: "Đã ai nói với ta chưa? Rằng ngờ vực là một nỗi đau rất cô đơn. Lòng ngờ vực khiến ta đóng chặt cửa trái tim mình. Không tin vào bất cứ điều gì khiến ta trở nên đơn độc và khép kín mình. Không tin vào hạnh phúc sẽ không có hạnh phúc, Không tin vào tình yêu sẽ không có tình yêu. Lòng nghi ngại ấy khiến cho mọi nỗ lực của đối phương đều trở nên bất lực.
Lòng tốt bị nghi ngờ sẽ khiến cho lòng tốt tàn lụi. Đã ai nói với bạn điều đó chưa? Đừng hỏi vì sao bạn mãi cô đơn khi bạn vẫn luôn nghi ngờ tất thảy. Hãy tin đi! Học cách tin cả sau mỗi tổn thương. Bởi cuộc đời rộng dài và còn nhiều lắm những người thật lòng. Bởi bạn nào muốn ai nghi ngờ trái tim bạn khi bạn yêu họ thật lòng, phải không? Hãy tin đi để không còn đau nữa. Vì trường thành nào cũng cần phải trải qua những lần đau như vậy.."
Đồng cảm với nhà văn, chúng tôi có suy nghĩ rằng chẳng lẽ bây giờ xã hội mình trở nên đớn hèn, nhẫn tâm chỉ vì một vài kẻ xấu thế hay sao? Chẳng lẽ sự hèn nhát và 5% rủi ro gặp phải kẻ xấu có thể chiến thắng 95% lương tâm giúp đỡ người gặp nạn mà ai cũng có?
Chính vì vậy, để nhân rộng những mô hình "người tốt việc tốt", các cơ quan chức năng, cộng đồng xã hội cần biểu dương, ủng hộ hết mình để mỗi chúng ta biết "sống vì mọi người". Đừng vì sự đố kị, nhỏ nhoi của bản thân mà làm thui chột những tấm lòng nghĩa hiệp.