Các hãng bay giá rẻ sẽ có 'sức đề kháng' tốt hơn trong 2021

Thứ bảy, 30/01/2021 | 16:57 Theo dõi CFĐT trên

Theo các nhận định của giới chuyên gia, các hãng bay giá rẻ nhắm tới phục vụ thị trường nội địa hoặc khu vực sẽ có cơ hội để sống sót cao hơn so với các hãng bay chuyên về đường dài hoặc nhắm đến phân khúc khác.

Máy bay của các hãng giá rẻ đỗ tại sân bay Luton (Anh) tháng 5/2020. Ảnh: Reuters
Máy bay của các hãng giá rẻ đỗ tại sân bay Luton (Anh) tháng 5/2020. Ảnh: Reuters

Hiện tại, thế giới đang bước vào cuộc đua tiêm vaccine nhằm chống lại Covid-19, giới phân tích cho rằng sẽ càng nhiều hãng hàng không bị phá sản trong năm 2021 và sẽ còn rất lâu nữa thì nhu cầu đi lại mới có thể phục hồi như thời điểm trước dịch. Tuy nhiên, có thể có một điểm sáng, đó là các hãng bay giá rẻ chủ yếu bay nội địa sẽ có sức đề kháng cao hơn với những thách thức trong năm 2021.

Năm 2020, các chính phủ đã phải vào cuộc để hỗ trợ các hãng bay nhằm duy trì hoạt động. Ông Harbison cho biết, các hãng bay vẫn đang đốt một lượng lớn tiền mặt, dòng tiền để duy trì vận hành đối với các hãng bay là vô cùng cần thiết. Thông thường, vào thời điểm cuối năm, các hãng bay thường sẽ tích trữ được tiền mặt từ việc khách hàng đặt vé trước cho mùa xuân và hè.

Tuy nhiên, với việc Covid-19 vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp như thời điểm hiện tại, sẽ không có nhiều người có nhu cầu đặt vé sớm, dù giá vé đang rất rẻ hay các điều khoản hoàn tiền, đổi vé rất hào phóng. Tâm lý e ngại dịch bệnh lan tràn và các lệnh cấm bay của các quốc gia khiến nhiều hãng bay không thể duy trì được dòng tiền.

CAPA dự báo mức độ di chuyển bằng đường hàng không sẽ chỉ quay về mức tiền đại dịch vào năm 2025, do bất ổn kéo dài, hoạt động công tác bằng máy bay giảm mạnh và số ghế cho bay quốc tế ít hơn nhiều.

Các chuyên gia trong ngành nhận định, các hãng bay giá rẻ phục vụ thị trường trong nước hoặc khu vực sẽ có cơ hội sống sót cao hơn các hãng liên lục địa, cung cấp đầy đủ dịch vụ. Nguyên nhân có thể là biên giới của nhiều quốc gia vẫn còn đóng cửa trong ngắn hạn và ít người đi di chuyển bằng máy bay hơn.

Năm 2020, đại dịch lan tràn đã làm cho nhiều quốc gia buộc phải đóng cửa biên giới, kèm theo đó là các biện pháp giãn cách xã hội. Tình hình đó đã đẩy các hãng bay vào trạng thái thoi thóp khi không thể kinh doanh. Lưu lượng đi lại của khách đã giảm 67% trong năm 2020 so với 2019, theo số liệu của Cirium. Các hãng bay đã buộc phải cắt giảm hàng tỷ USD mỗi ngày, bất chấp sự những chính sách hỗ trợ từ phía chính phủ nhằm ngăn phá sản quy mô lớn.

Hồi tháng trước, IATA  đã dự báo rằng các hãng bay đã phải chịu lỗ ròng 118,5 tỷ USD trong năm 2020 và 38,7 tỷ USD năm 2021. Ông Harbison cho biết, trên toàn cầu, khả năng đóng cửa biên giới cùng với việc đảm bảo an toàn cho hành khách vẫn là thách thức lớn. Bên cạnh đó, "chỉ có một số thị trường nội địa có giá trị lớn" và các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc đều đang chịu cảnh tái bùng phát dịch.

"Chỉ trong thị trường nội địa, vaccine mới có tác dụng thúc đẩy tốt nhất khi tái mở cửa. Nhưng chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phải đi và biến chủng của virus vẫn đe dọa kéo tụt các nỗ lực này", ông nói.

Hoài Thu
Cafe Khởi nghiệp