Sau một năm rời khỏi Liên minh châu Âu, Anh đã nhiều lần bày tỏ mong muốn được gia nhập CPTPP.
Sau một năm rời khỏi Liên minh châu Âu, Anh đã nhiều lần bày tỏ mong muốn được gia nhập CPTPP.
Được biết, trong tuyên bố của Chính phủ Anh vào ngày 30/1, Bộ trưởng Thương mại Anh, bà Liz Truss sẽ chính thức đề nghị với những người đồng cấp tại New Zealand và Nhật Bản về việc Anh gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào ngày 1/2 tới đây.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, sau khi rời EU, London đang thiết lập các mối quan hệ đối tác mới nhằm mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho người dân Anh. Ông nhấn mạnh quyết tâm của Anh về việc muốn gia nhập CPTPP với mong muốn được hợp tác với bạn bè và đối tác trên toàn thế giới trong điều kiện tốt nhất. Qua đó, đóng góp và ủng hộ tích cực cho nền thương mại tự do toàn cầu.
Hôm 28/1, hãng Reuters đã đưa tin, Vương quốc Anh sẽ không công bố những đánh giá về lợi ích kinh tế khi trở thành thành viên của CPTPP trước khi chính thức đề nghị gia nhập hiệp định này. Động thái trên được giới phân tích cho là trái ngược với những cam kết của Chính phủ Anh trước đây.
CPTPP là thỏa thuận hợp tác quốc tế, trong đó dỡ bỏ phần lớn thuế quan giữa 11 nước thành viên bao gồm Australia, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Brunei, Canada, Chile và Việt Nam. Những phân tích kinh tế trước đó của Chính phủ Anh cho thấy, các thỏa thuận thương mại bổ sung sẽ tạo ra một động lực thúc đẩy nhỏ đối với sản lượng kinh tế. Theo Chính phủ Anh, việc gia nhập CPTPP sẽ loại bỏ các loại thuế đối với lương thực, thực phẩm, đồ uống và xe hơi. Bên cạnh đó, giúp thúc đẩy các lĩnh vực về công nghệ và dịch vụ.
Bộ Thương mại Anh cho biết, các cuộc đàm phán về việc Anh gia nhập CPTPP dự kiến sẽ được tiến hành trong năm nay.