Mâu thuẫn giữa tài xế, Grab và cơ quan thuế: Câu chuyện chưa có hồi kết

Thứ sáu, 25/12/2020 | 16:25 Theo dõi CFĐT trên
Tai-xe-Grab-1
Tài xế GrabBike Đà Nẵng đình công.

Ngày 5/12, Nghị định 126 có hiệu lực. Grab chính thức tăng 5-6% giá dịch vụ, đồng thời kéo mức khấu trừ lên 27,27% đối với tài xế Grab Bike. Phía Grab khẳng định, mức ăn chia này vẫn đảm bảo nguyên tắc 80:20 như xưa, trong khi phần chênh (7,27%) để thu hộ thuế VAT.

Dù vậy, xét trên cùng một cuốc xe và chặng đường, thực nhận của tài xế giảm đáng kể so với trước 5/12. Tới nay, các tài xế vẫn cho rằng tỷ lệ mới (xấp xỉ 73:27) không đủ để bù trừ phần VAT tăng thêm sau Nghị định 126.

Khách hàng, tài xế chịu thiệt

Theo tính toán, thực nhận của tài xế trên mỗi cuốc xe theo tỷ lệ mới giảm từ 1,5-4,5%. Cụ thể, trước ngày 5/12, theo tỷ lệ 80:20, VAT được tính 10% cho Grab và 3% cho tài xế. Song, sau 5/12, Tổng cục Thuế yêu cầu đóng 10% VAT trên tổng thu từ khách hàng sau đó mới được ăn chia. Điều này là cơ sở để Grab điều chỉnh tỷ lệ khấu trừ gây bức xúc cho các tài xế.

Nhìn vào ví dụ trực quan, dễ thấy: 

- Trước 5/12, với cuốc xe 100.000 đồng, sau thuế, tài xế thực nhận 77.600 đồng, Grab thu về 18.000 đồng. 

- Từ 5/12, theo tỷ giá mới (5-6%), cuốc xe được điều chỉnh lên 106.000 đồng. Sau thuế, tài xế thực nhận 77.093 đồng, Grab thu về 19.080 đồng.

Tai-xe-Grab-2
Tài xế GrabBike TP HCM đồng loạt tắt ứng dụng.

Sau cuộc đình công hôm 6/12, tới chiều 10/12, Grab tổ chức buổi tiếp xúc, trao đổi với tài xế. Bà Hoàng Thị Bích Hà, người được Ban giám đốc Grab trao quyền điều phối, cho biết việc điều chỉnh vốn được cân nhắc kỹ lưỡng, nếu thay đổi giá rập khuôn, khách hàng sẽ bỏ Grab. 

Đề cập tới vấn đề giảm chiết khấu, bà Hà thừa nhận bất khả thi. "2020 vốn là năm khó khăn. Trong thời gian dài, khách hàng đặt xe giảm, buộc hãng phải mở thêm nhiều dịch vụ nhằm đảm bảo cuốc xe cho tài xế", lãnh đạo Grab chia sẻ.

Cũng trong buổi gặp mặt, tuy bóc tách vấn đề về thuế, tỷ lệ chiết khấu, nhưng cả Grab và tài xế đều không xem xét tới 2 lợi ích cộng thêm vốn tác động tới khách hàng.

Thứ nhất, Grab cho rằng đợt điều chỉnh hôm 5/2 là lần đầu tăng giá bất chấp vật giá leo thang. Song, Grab không nhắc việc hãng cũng hưởng lợi thế nào từ nhân giá vào các khung giờ cao điểm. Thứ hai, tài xế không bằng lòng vì thực lãnh giảm, nhưng cũng không đề cấp đến quyền lợi phía họ vô hình tạo áp lực lên khách hàng như tăng giờ cao điểm, các chương trình trả thưởng và phúc lợi phía Grab nói rằng "đang tìm cách bù đắp thiệt thòi cho đối tác".

Grab, Tổng cục Thuế bất đồng

Trong thông cáo chiều 9/12, Grab nhấn mạnh "vô cùng thất vọng sau buổi làm việc với Tổng cục Thuế".

Hãng cho hay, cơ quan thuế muốn tăng mức thu thuế với doanh thu của đối tác tài xế từ 3% lên 10%, dù biết rằng các tài xế này không có khả năng khấu trừ VAT đầu vào. Ngành thuế cũng không giải thích rõ ràng mà dựa vào những luận điểm không nhất quán.

Cụ thể, cơ quan thế khẳng định, tài xế xe công nghệ là người lao động của Grab, nên không phải chịu VAT cho doanh thu. Song, Grab dẫn công văn 8/2/2017 của Tổng cục Thuế, cho biết tài xế xe hai bánh là cá nhân kinh doanh và là người nộp thuế theo Điều 4 Luật Thuế giá trị gia tăng. Theo công văn, khoản thu từ hoạt động hợp tác kinh doanh, phải được phân định cho hai chủ thể gồm: phía Grab (chịu 10% thuế), cá nhân kinh doanh - tức tài xế (chịu 3% thuế).

Grab cho rằng, hiện Tổng cục Thuế muốn đảm bảo nguồn thu cho ngân sách từ các cá nhân kinh doanh có hợp tác kinh doanh với tổ chức. Nhưng theo họ, Nghị định 126 chỉ điều chỉnh thủ tục và phương pháp kê khai, nộp thuế; còn việc xác định những đối tượng nào phải nộp thuế, người nộp thuế, chịu thuế VAT thì phải căn cứ vào Luật Thuế giá trị gia tăng.

Tai-xe-Grab-3
Tài xế tập trung tại trụ sở Grab đường Duy Tân, Hà Nội.

Phản đối quan điểm trên, đại diện cơ quan thuế cho biết việc Grab tăng mức khấu trừ và cước xe, không phải do Nghị định 126, mà là vấn đề chính sách phía doanh nghiệp.

Bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân, giải thích thuế VAT đánh vào người dùng và giá chỉ tăng khi một trong hai yếu tố là thuế suất hoặc cơ sở tính thuế tăng. Nếu thuế suất tăng, trách nhiệm là do cơ quan thuế, còn cơ sở tính thuế tăng là do doanh nghiệp. Trong trường hợp này, cơ quan thuế khẳng định, thuế suất VAT 10% áp dụng lên loại hình hoạt động là doanh nghiệp kinh doanh vận tải không thay đổi.

Trước đây, do hành lang pháp lý và hướng dẫn của cơ quan thuế còn thiếu sót, Grab kê khai chưa đúng và chưa đủ thuế VAT, nên khi tính lại thuế theo Nghị định 126, Grab có trách nhiệm xây dựng lại mức giá chưa gồm VAT để giá không tăng.

Thực tế, việc khấu trừ VAT đầu vào với một công ty vận tải truyền thống tương đối dễ dàng vì họ chính là người chi tiêu để mua sắm đội xe, bảo trì cũng như trả lương tài xế. Trường hợp của Grab sẽ khó khấu trừ VAT đầu vào và bảo đảm quyền lợi như các công ty vận tải truyền thống. Bởi lẽ, Grab không phải là bên đầu tư đội xe hay chi trả các chi phí lương tài xế, vận hành xe mà mọi việc đều do tài xế tự chịu.

Cafe Khởi nghiệp